Răng khôn và những biến chứng thường gặp | ||
I. Răng khôn là gì: Răng khôn (răng số tám hay răng hàm lớn thứ ba) là răng mọc cuối cùng, thường mọc ở độ tuổi trưởng thành từ 18 đến 25 tuổi. Đây là răng hay gây nhiều biến chứng nhất trên cung hàm. II. Nguyên nhân răng khôn thường hay mọc lệch, ngầm hoặc kẹt Răng lệch là thuật ngữ chỉ tình trạng răng không mọc ở vị trí bình thường trên cung răng sau khi hết thời kỳ mọc bình thường. Nó có thể mọc lệch ở các tư thế như: lệch gần, lệch xa, lệch trong, lệch ngoài. Răng ngầm là răng không mọc được bình thường, vẫn còn trong xương hàm, không thấy trong khoang miệng. Răng kẹt là răng bị cản trở về mặt cơ học do xương hay răng lân cận dẫn đến sự mọc răng không bình thường. Tỷ lệ răng khôn hàm dưới mọc lệch, ngầm hoặc kẹt cao. Nguyên nhân có thể là do răng hoặc do xương hàm. 1. Do răng · Tổn thương mầm răng, túi thân răng bị viêm trong quá trình phát triển. · Răng khôn hàm dưới cùng chung lá biểu bì tạo răng với răng hàm lớn vĩnh viễn thứ nhất và thứ hai mà 2 răng này lại mọc lên trước nên mầm răng khôn thường bị kéo phần thân lệch về phía gần. · Răng khôn mọc muộn nhất trên cung hàm nên hay bị thiếu chỗ. 2. Do xương hàm: · Thiếu chỗ trên cung răng, không tương xứng kích thước giữa xương hàm và răng. · Tổ chức xương trên đường ra của răng bị xơ hóa do nang hay nhiễm trùng… III. Các biến chứng thường gặp do răng khôn mọc lệch, ngầm hoặc kẹt gây ra Trong quá trình mọc và suốt thời gian tồn tại răng khôn hàm dưới gây ra rất nhiều tai biến. Các tai biến do răng khôn hàm dưới gây ra cần phải điều trị chiếm một tỷ lệ cao trong các bệnh về răng miệng, bao gồm: · Chứng đau dây thần kinh vùng đầu lan tỏa hoặc khu trú (Neuralgias)
· Viêm quanh thân răng (pericoronitis) · Sâu răng hàm lớn thứ hai và chính răng khôn · Tiêu xương nâng đỡ của răng hàm lớn thứ hai · Cản trở việc lắp hàm bán phần và toàn bộ · Cản trở sự mọc răng vĩnh viễn · Cản trở quá trình chỉnh nha · Tham gia vào sự phát triển của các tình trạng bệnh lý khác · Tiêu chân răng lân cận dẫn làm phá hủy cấu trúc răng đó · Sang chấn mô mềm 1. Chứng đau dây thần kinh vùng đầu lan tỏa hoặc khu trú (Neuralgias) Răng ngầm có thể là nguyên nhân gây ra đau đầu hay các chứng đau dây thần kinh vùng đầu mặt của bệnh nhân. Nguyên nhân là do răng ngầm mọc ra chèn vào các đầu tận của dây thần kinh. Nhiều bệnh nhân thấy các triệu chứng đau giảm đi sau khi răng ngầm được lấy bỏ và thường liên quan đến răng ngầm mọc lạc chỗ. 2. Viêm quanh thân răng (Pericoronitis): Đây là viêm nhiễm cấp tính của mô mềm bao phủ quanh thân răng bán ngầm và túi thân răng khôn. Nguyên nhân do sang chấn của răng đối diện tới mô mềm phía trên răng khôn hoặc do lắng đọng thức ăn ở vùng dưới lợi trùm răng khôn. Bệnh nhân thường đến khám với lý do sưng đau vùng góc hàm. Viêm nhiễm thường lặp đi lặp lại nhiều lần và thường phải dùng kháng sinh bệnh nhân mới đỡ, những lần sau thường nặng dần lên, khoảng cách giữa các lần sưng đau giảm dần. Triệu chứng lâm sàng: · Đau nhiều tại vùng răng khôn, đau lan lên tai, khớp thái dương hàm, riêng với răng khôn hàm dưới đau cả vùng góc hàm và dưới hàm, có thể kèm theo sốt. · Ngoài mặt, sưng vùng góc hàm, màu sắc da vùng đó đỏ, bóng, ranh giới không rõ, ấn đau, có thể có khít hàm, khó nuốt, xuất hiện hạch dưới hàm. · Sưng vùng quanh răng khôn, vùng sưng chạm vào răng đối diện gây đau khi ăn nhai. Ấn vùng quanh răng khôn rất đau, có thể có dịch mủ máu chảy ra. · Nếu để muộn không điều trị gì viêm nhiễm sẽ tiến triển sang các vùng lân cận của mặt cổ. Viêm quanh thân răng khôn không điều trị và sức đề kháng kém sẽ dẫn đến các viêm nhiễm vùng hàm mặt khác. Kế hoạch điều trị: · Tại chỗ: bơm rửa túi quanh răng bằng Betadin và dung dịch NaCl 0.9{b4f0efd8c881c60736075880b613e269d75c3de1c8821cc3b60020402478951b} hoặc Betadin và dung dịch H2O2 10V pha theo tỉ lệ 1:3. · Toàn thân: kháng sinh, giảm đau, chống viêm. · Cần cân nhắc nhổ răng hay cắt lợi trùm tùy theo khả năng mọc của răng khôn và vị trí của gốc lợi trùm. 3. Sâu răng hàm lớn thứ hai và sâu chính răng khôn Khi răng khôn mọc lệch gần, nó còn gây sâu răng hàm lớn thứ hai (thường là sâu mặt xa) và sâu chính răng khôn. Nguyên nhân do lắng đọng thức ăn dưới lợi trùm và khe giữa răng hàm lớn thứ hai và răng khôn. Tổn thương răng hàm lớn thứ hai thường rất hay bị bỏ qua. Ban đầu, bệnh nhân chỉ thấy mắc thức ăn, gây khó chịu khi vệ sinh răng miệng. Dần dần, bệnh nhân thấy ê buốt khi ăn nóng lạnh, chua ngọt rồi tự hết. Tổn thương sâu mặt xa răng hàm lớn thứ hai nhiều khi phải chụp XQ mới phát hiện được. Đến khi triệu chứng đã rõ ràng, bệnh nhân đến khám thì tổn thương sâu đã lớn, có thể phải điều trị tủy hoặc thậm chí phải nhổ răng. Kế hoạch điều trị: tùy mức độ tổn thương: Sâu răng hàm lớn thứ hai: hàn răng sâu sau khi nhổ răng khôn. Viêm tủy, viêm quanh cuống răng hàm lớn thứ 2 chưa có chỉ định nhổ: nhổ răng khôn, điều trị tủy răng hàm lớn thứ hai, làm chụp răng hàm lớn thứ hai. Răng hàm lớn thứ hai có chỉ định nhổ, răng khôn lung lay nhiều hoặc vỡ thân không có khả năng làm trụ khi làm răng giả: nhổ răng hàm lớn thứ hai, răng khôn, phục hình. Nếu răng khôn còn vững chắc, có khả năng điều trị bảo tồn thì có thể giữ làm trụ cho cầu răng hàm lớn thứ nhất-hai-khôn. 4. Tiêu xương nâng đỡ của răng số hàm lớn thứ hai Nguyên nhân là do răng khôn mọc lệch thúc vào tổ chức xương nâng đỡ phía xa của răng hàm lớn thứ hai gây tiêu xương. Do vậy, cần nhổ răng khôn trước khi tổ chức xương nâng đỡ của răng số hàm lớn thứ hai bị tiêu, tránh gây lung lay và buốt răng hàm lớn thứ hai sau khi nhổ răng khôn. Những trường hợp phía xa chân răng hàm lớn thứ hai bị tiêu nhiều, khi nhổ răng khôn, nên ghép xương và màng sinh học để có thể phục hồi lại phần xương ở phía xa chân răng hàm lớn thứ hai. 5. Tiêu chân răng lân cận dẫn tới phá hủy cấu trúc răng Sự tiêu chân răng xuất hiện ở những răng phía sau của hàm trên và hàm dưới, bắt đầu là sự tiêu chân răng phía xa, dần dần gây phá hủy toàn bộ cấu trúc răng. Đôi khi, răng khôn ngầm hàm trên ở vị trí quá cao, có thể gây thủng, viêm xoang hàm hoặc răng khôn ngầm hàm dưới ở vị trí quá sâu, đè lên dây thần kinh răng dưới gây tê môi. Cần phẫu thuật nhổ răng khôn ngầm để loại bỏ nguyên nhân gây bệnh. 10. Sang chấn mô mềm Răng khôn mọc lệch xa có thể gây cắn vào má, nếu không có răng đối, răng khôn có thể mọc chồi ra, cắn vào lợi phía đối diện gây sang chấn, làm tăng nguy cơ ung thư do sang chấn kéo dài. III. Thời gian thích hợp lấy bỏ răng khôn Hiện nay, với các kỹ thuật gây tê, kiểm soát tốt trước, trong và sau khi phẫu thuật, việc lấy bỏ răng khôn không gây đau và không ảnh hưởng gì tới sức khỏe của bệnh nhân. Nếu đã xác định phải nhổ bỏ răng khôn thì thời điểm lấy bỏ răng khôn phù hợp nhất là khi bệnh nhân còn trẻ, vì điều này giúp tránh được các biến chứng đã nêu ở trên và những vấn đề không mong muốn mà sẽ trầm trọng hơn theo thời gian. Hơn nữa, bệnh nhân trẻ vượt qua quá trình phẫu thuật và stress tốt hơn, ít bị biến chứng và lành thương sau phẫu thuật nhanh và tốt hơn người già. Mặt khác, phẫu thuật lấy răng khôn ở người trẻ sẽ dễ hơn cho nha sỹ, đặc biệt trong quá trình mở xương, lung lay răng… vì xương người già đặc và cứng hơn. Tóm lại, răng khôn là răng có thể gây ra rất nhiều biến chứng, vì vậy, cần cân nhắc cẩn thận việc giữ lại hay nhổ bỏ răng khôn và cần xem xét với tất cả khả năng có thể xảy ra. |