CÓ NÊN CẮM PHÉP IMPLANT CHO TRẺ EM

 CÓ NÊN CẮM PHÉP IMPLANT CHO TRẺ EM
TS Võ Trương Như Ngọc

 

Bs Vũ Thị Vân 

Thật là ác mộng với  mỗi phụ huynh khi con họ mất đi một chiếc răng vĩnh viễn  sau chấn thương  răng do thể thao hoặc do các tai nạn khác. Điều này đặc biệt đúng nếu có một khoảng hở lớn lộ ra khi trẻ cười. Theo cuộc họp thường niên lần thứ 85 ngày 10-13/9/2003 của Hiệp hội phẫu thuật viên miệng – hàm mặt Mỹ tại Orlando, Fla, đối với bệnh nhân trẻ, hiện nay, có một giải pháp tốt hơn so với các giải pháp trước kia, đó là cắm ghép Implant Nha khoa – một chân răng giả làm bằng Titan. Chân răng này sẽ nâng đỡ một răng hoặc nhiều răng.

Theo Stuart L. Graves, một phẫu thuật viên miệng – hàm mặt hành nghề tại Fairfax, bang Virgini, trong khi cấy ghép ban đầu được phát triển như là một điều trị thay thế hàm giả  tháo lắp cho người lớn thì người ta cũng thành công trong việc sử dụng kỹ thuật này ở trẻ em được khoảng một thập kỷ. Thời gian phẫu thuật cắm ghép ở trẻ em lâu hơn người lớn bởi vì hàm răng của trẻ em vẫn đang phát triển. Cùng với sự tăng trưởng, có khả năng Implant dần dần bị chìm lún vào trong xương.

Theo như báo cáo của tiến sĩ Graves, mặc dù thời điểm cắm ghép vẫn cần được thảo luận thêm, nhưng các nghiên cứu và kinh nghiệm lâm sàng đã chỉ ra rằng cấy ghép Nha khoa có thể tiến hành an toàn và hiệu quả ở trẻ em sớm hơn trước đây họ nghĩ.  Tuy nhiên, vì xương hàm của trẻ đang trong giai đoạn tăng trưởng , do vậy có nhiều vấn đề tiên lượng sự thành công cũng như mức độ phức tạp để có hiệu quả phải được đặt ra và cần bàn luận trước khi quyết định cấy ghép.

 

TUỔI CÓ THỂ CHỈ ĐỊNH CẮM GHÉP IMPLANT Ở TRẺ EM

Khi còn trẻ, nếu không cắm ghép sớm có thể sẽ gây một số nguy cơ như: tiêu xương ổ răng, xô lệch các răng liền kề, hoặc phải chỉnh nha…

Tuy vậy, nếu như  cắm ghép Implant trước khi xương hàm hoàn thiện thì nó có thể làm cản trở sự  phát triển của xương hàm và sự mọc đúng chỗ của các răng khác. Khi Implant được cắm trực tiếp vào xương, nó không thể di chuyển dễ dàng như các răng thật bỏi vì khác với Implant, răng thật là những thực thể sống được gắn kết với xương ổ răng bởi hệ thống dây chằng nha chu. Đặc biệt, xương hàm khi phát triển còn có sự xoay và tăng trưởng theo ba chiều không gian do vậy, sau một thời gian cắm ghép Implant có thể bị thay đổi vị trí ban đầu hoặc bị vùi sâu vào trong xương hàm.

Do vậy, theo sự tăng trưởng, lứa tuổi tối thiểu lý tưởng để có thể cắm ghép Implant là 15 ở nữ và 17 ở nam.

 

LÀM THẾ NÀO ĐỂ LẤP KHOẢNG TRỐNG MẤT  RĂNG TRUỚC KHI CẮM GHÉP IMPLANT CÓ THỂ THỰC HIÊN?

Không có trẻ nào muốn ra ngoài khi miệng thiếu răng. chúng có thể phải đối mặt với sự cô lập của xã hội vì sự “bất bình thường” này. Vậy cần làm gì để thay thế những răng đó cho đến khi lũ trẻ đủ tuổi để cắm răng Implant thay thế ?

Thông thường các nha sĩ  có khả năng làm những hàm răng giả hoặc hàm giữ khoảng phù hợp với chỗ mất răng. Sau đó, khi xương hàm phát triển hoàn thiện, nha sĩ sẽ cắm ghép Implant thay thế.

 

       KẾ HOẠCH CẮM GHÉP  IMPLANT NHA KHOA

Theo truyền thống, các nha sĩ sẽ đặt một cầu liên kết hoặc là một hàm giữ khoảng trong miệng đứa trẻ như là một vật giữ chỗ cho đến khi đứa trẻ sẵn sàng với việc cắm ghép Implant. Những vật giữ này thường không có tác dụng chống lại sự tiêu xương ổ răng, có thể chỉ có tác dụng hạn chế. Do vậy, một số bác sỹ cho rằng “Nếu sự tiêu xương xảy ra nhanh hơn dự tính, việc cắm Implant càng cần thực hiện sớm”.

Các Bác sĩ nhận thấy rằng, cắm Implant sớm sẽ có những lợi ích quan trọng về mặt thẩm mỹ. Những người trẻ có xu hướng cười hở nhiều răng hàm trên và lợi hơn, do đó sự khác biệt chỉ khoảng một vài mm về chiều cao của xương ổ và lợi xung quanh một chiếc răng cũng thu hút sự chú ý. Nếu để quá lâu, xương xung quanh chỗ răng mất sẽ liền, co lại và trông không tự nhiên.

Các  phẫu thuật viên miệng – hàm mặt  giờ đây cho rằng Implant có thể được cắm ghép một cách an toàn trên những trẻ nhỏ tuổi. Nghiên cứu trên trẻ em có hội chứng loạn sản ngoại bì, một rối loạn di truyền với sự phát triển bất bình thường của da có liên quan đến hệ thống, bao gồm răng, tóc, móng và tuyến mồ hôi, tỉ  lệ xuất hiện là 1 : 10,000 trẻ. Hầu hết trẻ  có hội chứng này đều có những răng  khiếm khuyết phức tạp và/hoặc  dị dạng. Nhiều trẻ cần mang hàm giả ngay từ lúc 5 tuổi. Răng  Implant được cấy ghép thành công ở những bệnh nhân có hội chứng loạn sản ngoại bị này ngay từ khi 7 hoặc 8 tuổi. Những đứa trẻ này thường cần phẫu thuật ghép xương trước khi cắm ghép implant bởi vì chúng có xương hàm quá nhỏ để đặt Implant.

Răng cắm ghép được làm từ Titanium, một kim loại có khả năng tương hợp sinh học cao thông qua một quá trình gọi là tích hợp xương hoặc hòa hợp xương. Trước đây, cần mất 6 tháng để quá trình này xảy ra. Nhưng một số thay đổi trên bề mặt kim loại làm tăng nhanh quá trình phát triển của xương để tiếp nhận Implant. Sự hợp nhất giờ đây chỉ mất khoảng 2 -3 tháng. Các nhà sản xuất xoi mòn bề mặt của Implant bằng acid, tạo ra những vi lỗ trên bề mặt Titanium. Tế bào xương chui vào các lỗ, rãnh này và hình thành nên một mối gắn kết chặt chẽ. Khi được gắn kết, Implant sẽ kích thích xương phát triển.

Việc cắm ghép răng có thể được tiến hành sau gây tê tại chỗ hoặc gây mê toàn thân. Bệnh nhân được dùng kháng sinh sau phẫu thuật, tỉ lệ nhiễm trùng thường  thấp và có thể kiểm soát được do vậy chúng ta cũng không nên quá lo lắng. Sau một thời gian cắm ghép Imlant, tiếp theo, các nha sĩ sẽ đặt lên trên đó thân răng giả để thực hiện các chức năng của răng.