I. VIÊM QUANH RĂNG LÀ GÌ?
Viêm quanh răng là tình trạng nhiễm trùng ở các cấu trúc xung quanh răng. Những cấu trúc này bao gồm: lợi, xương ổ răng, dây chằng nha chu. Nó có thể tiến triển từ viêm lợi – giai đoạn đầu của bệnh nha chu và chỉ ảnh hưởng đến lợi chưa ảnh hưởng các cấu trúc khác.
Viêm quanh răng thường được gây ra bởi sự kết hợp giữa vi khuẩn và mảng bám răng. Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Chảy máu nướu răng.
- Sưng lợi.
- Hơi thở hôi dai dẳng.
- Đau khi ăn nhai.
- Tăng nhạy cảm.
- Răng lung lay.
- Tụt lợi.
Bệnh viêm quanh răng nên được điều trị càng sớm càng tốt vì nó có liên quan đến các yếu tố nguy cơ gia tăng mắc các tình trạng như:
- Đột quỵ
- Bệnh tim mạch
- Bệnh tiểu đường
- Bệnh hô hấp
II. CÁC GIAI ĐOẠN ĐIỀU TRỊ
1. Giai đoạn I: Điều trị căn nguyên
Điều trị trong giai đoạn này sẽ tập trung vào việc kiểm soát nhiễm trùng và khôi phục hệ vi sinh vật khỏe mạnh cần có. Nha sĩ sẽ xem xét và đánh giá các yếu tố nguy cơ để có thể giải quyết tận gốc.
Trong giai đoạn này, bạn sẽ được hướng dẫn về những gì bạn phải làm để chăm sóc tại nhà, bao gồm cả việc chăm sóc sức khỏe tổng thể của bạn. Bạn cũng sẽ được yêu cầu ngừng hút thuốc và duy trì vệ sinh răng miệng thật tốt.
Phương pháp lấy cao răng cũng sẽ diễn ra trong giai đoạn này, khi nha sĩ sẽ làm sạch răng của bạn sâu và loại bỏ mảng bám và cao răng và có thể kết hợp dùng thuốc.
2. Giai đoạn II: Giai đoạn phẫu thuật
Nếu các phương pháp điều trị bảo tồn không hiệu quả, sẽ chuyển sang giai đoạn phẫu thuật. Điều này có thể xảy ra nếu các túi quanh răng hoặc mảng bám và cao răng quá sâu và khó để làm sạch. Giai đoạn này sẽ được đánh giá trong khoảng từ bốn đến tám tuần sau lần điều trị đầu tiên.
3. Giai đoạn III: Điều trị duy trì
Giai đoạn duy trì tập trung hoàn toàn vào việc ngăn ngừa bệnh nha chu quay trở lại. Nếu không bảo trì cẩn thận, tỷ lệ tái phát sẽ cao. Bạn cần tuân thủ: đánh răng đúng cách và dùng chỉ nha khoa hàng ngày. Làm sạch răng cẩn thận, đảm bảo không bỏ sót bất kỳ điểm nào khó tiếp cận và sử dụng nước súc miệng để giúp tiêu diệt mọi vi khuẩn còn sót lại. Bạn sẽ gặp nha sĩ để theo dõi trong ba tháng thay vì đợi sáu tháng để đảm bảo kiểm soát tốt bệnh lý.
Có thể kết hợp với phục hình răng: implant nha khoa nếu răng đã được nhổ hoặc nếu phải loại bỏ một lượng lớn mô hoặc xương. Điều trị chỉnh nha cũng có thể giúp sắp xếp răng của bạn đúng cách, giúp việc chăm sóc chúng dễ dàng hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Systemic Markers of Inflammation in Periodontitis
2.Periodontitis and Diabetes Interrelationships: Role of Inflammation
3.Periodontitis, Low-Grade Inflammation and Systemic Health: A Scoping Review
by Gennaro Cecoro
Bs Trần Thị Khánh Linh