RĂNG CÓ NÚM PHỤ: NGUYÊN NHÂN – CHẨN ĐOÁN – ĐIỀU TRỊ

1. Núm phụ là gì?

Núm phụ ( Dens evaginatus ) là thuật ngữ chỉ hình dạng giải phẫu bất thường của răng có hình dạng giống như núm, múi thừa trên bề mặt răng. Tình trạng này thường xuất hiện ở mặt trong của răng hàm trên hoặc mặt nhai của răng hàm nhỏ hàm dưới.

Núm phụ trên răng này có cấu tạo tương tự như răng bình thường với men răng, ngà răng và tủy răng. Nhưng núm phụ này nhô lên dẫn đến mô tủy ở đó cũng nhô lên theo tạo thành những sừng tủy mảnh.

2. Vì sao răng xuất hiện núm phụ?

Hình ảnh răng có núm phụ mặt nhai

Núm phụ do sự phát triển răng bất thường phát sinh trong quá trình biệt hóa hình thái, xảy ra trong giai đoạn chuông và được đặc trưng bởi sự tăng sinh bất thường của biểu mô men lớp trong vào lưới tế bào hình sao của cơ quan men răng.

3. Núm phụ trên răng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm 

Núm phụ trên răng có cấu tạo tương tự như các răng bình thường với men răng, ngà răng và tủy răng. Nhưng núm phụ này nhô lên và mô tủy ở đó cũng nhô lên theo tạo thành những sừng tủy mảnh. 

Núm phụ khiến cho khớp cắn sai lệch, bệnh nhân gặp phải cản trở cắn khi ăn nhai và sang chấn khớp cắn. Từ đó dẫn đến các biến chứng diễn ra âm thầm mà bệnh nhân thường không tự phát hiện được, như tiêu cổ răng, tụt lợi, sâu răng, áp xe quanh chóp và hoại tử tủy răng.

Việc phát hiện những bất thường này khá đơn giản bằng mắt thường, cha mẹ chỉ cần quan sát răng của con là có thể phát hiện ra kịp thời và đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa hoặc nha khoa để có biện pháp can thiệp kịp thời.

4. Điều trị núm phụ trên răng

Núm phụ có thể được điều trị bằng cách mài chỉnh để loại bỏ đi hoàn toàn và tái khoáng hóa bằng varnish Flour. Tuy nhiên việc mài chỉnh này cần được thực hiện đúng cách và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như núm phụ có gây cản trở khớp cắn hay không, độ dày lớp men ngà trên sừng tủy và sự nhạy cảm của bệnh nhân. Do đó cần cho bệnh nhân chụp phim X-quang răng để đánh giá độ dày của lớp men ngà bên trên sừng tủy như thế nào để đưa ra kế hoạch điều trị.

  • Trong trường hợp núm phụ chưa ảnh hưởng đến khớp cắn cần bảo vệ núm phụ bằng Composite resin bằng cách bao phủ xung quanh nó bằng composite resin và dự phòng trường hợp sâu răng do hình thể giải phẫu của núm phụ gây khó khăn trong việc vệ sinh răng miệng.  Các răng như vậy cần được theo dõi định kỳ 6 tháng 1 lần.
  • Nếu núm phụ gây cản trở khớp cắn thì sẽ có hướng điều trị nhằm giảm đi chiều cao núm phụ một cách từ từ để cho phép tạo lại ngà phản ứng trên bề mặt tủy và tái khoáng hóa men răng bằng varnish Flour. Các bước điều trị được thực hiện như sau:
  1. Sử dụng mũi khoan kim cương hạt mịn với tốc độ cao có phun nước.
  2. Mài với nhiều lần hẹn khác nhau. Mỗi lần mài đi bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào độ dày của lớp men ngà phía trên.

Hình ảnh răng trước – sau khi loại bỏ núm phụ

  1. Khoảng cách giữa hai lần mài chỉnh là 3 tháng, theo dõi ít nhất trong 12 tháng.
  2. Hạ chiều cao núm phụ đến khi không còn cản trở khớp cắn khi thử bằng giấy cắn.
  3. Trong trường hợp mài gây hở tủy thì thực hiện che tủy trực tiếp bằng vật liệu tương thích sinh học như MTA hoặc Biodentine rồi tiếp tục theo dõi.

Với trường hợp răng vĩnh viễn tủy hoại tử do núm phụ chưa đóng chóp: Điều trị hiệu quả nhất chỉ định cho trường hợp này là nội nha tái sinh bằng kính hiển vi và vật liệu sinh học như Biodentine hoặc MTA giúp phục hồi chức năng của tủy răng và hoàn thiện quá trình đóng chóp của răng giúp chân răng phát triển tối ưu.

 Kỹ thuật này yêu cầu các bác sĩ răng hàm mặt có chuyên môn cao về điều trị nội nha và cần có kính hiển vi để kiểm soát được mô tủy từ đó mang lại kết quả điều trị tốt cho bệnh nhân.