- NANH SỮA LÀ GÌ?
Nanh sữa là tên thường gọi trong dân gian để chỉ một hay nhiều đốm nhỏ màu trắng trên lợi của trẻ sơ sinh. Bản chất của nanh sữa ở trẻ là một loại nang niêm mạc lành tính ở trẻ sơ sinh. Chúng có vỏ mỏng trong lòng chứa đầy chất keratin. Đây là một sản phẩm thoái hóa của biểu mô sừng hóa. Nanh sữa thường có màu trắng do các mảnh vụn tế bào trong quá trình hình thành răng sữa còn sót lại ở xương hàm.
Về mặt khoa học, nanh sữa là tổn thương nang lợi và nang vòm miệng (hạt ngọc trai Epstein, nốt Bohn). Trên thực tế, các tổn thương này đặc biệt giống nhau và dễ nhầm lẫn, được thay thế cho nhau suốt nhiều năm. Chúng có hình ảnh lâm sàng giống nhau, mô học giống nhau nhưng khác nhau về nguyên nhân. Không cần thiết phân biệt giữa nang lợi, hạt ngọc trai Epstein và nốt Bohn, do quá trình điều trị đều giống nhau. Tuy nhiên, các bác sĩ điều trị cho trẻ sơ sinh cần hiểu đầy đủ về các biểu hiện lâm sàng của các tổn thương lành tính này để phân biệt chúng với các tình trạng khác cần xâm lấn – eupolis bẩm sinh (congenital eupolis of the newborn natal) và răng sơ sinh (neonatal teeth).
Dưới đây sẽ sử dụng nanh sữa là từ để chỉ chung các tổn thương nang vòm miệng và nang lợi.
- NGUỒN GỐC VÀ ĐẶC ĐIỂM DỊCH TỄ
Hạt ngọc trai Epstein là biểu mô mắc kẹt trong quá trình phát triển vòm miệng, các nốt Bohn là tàn dư của tuyến nước bọt, u nang lợi xuất phát từ phần còn sót của lá răng.
– Nang vòm miệng (hạt ngọc trai Epstein và nốt Bohn) xuất hiện ở 65-85% trẻ sơ sinh, chúng có thể được coi là một cấu trúc giải phẫu bình thường.
– Nang lợi ít phổ biến hơn, từ 25-53% ở trẻ sơ sinh.
– Sự xuất hiện u nang khẩu cái, u nang lợi chưa tìm thấy sự khác biệt đáng kể về giới tính hoặc chủng tộc.
- TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG
Nang vòm miệng là những sẩn nhỏ không đau, màu trắng vàng, chắc, không di động, có đường kính từ 1-3mm. Chúng thường xuất hiện thành nhóm từ 2-6 tổn thương, nhưng cũng được biểu hiện dưới dạng nang đơn độc. Nang vòm miệng thường đặt tên khác tùy theo vị trí của chúng. Các hạt Epstein là những hạt nằm dọc theo rãnh giữa vòm miệng và gần điểm giao nhau của vòm miệng cứng và vòm miệng mềm, các nốt Bohn là những hạt được tìm thấy trên mặt ngoài và mặt trong của các gờ xương ổ răng.
Nang lợi trẻ sơ sinh xuất hiện dưới dạng đường kính nhỏ từ 2-3 mm, đơn độc hoặc nhiều sẩn màu trắng trên mào xương ổ răng trẻ sơ sinh. Chúng thường được tìm thấy ở hàm trên nhiều hơn hàm dưới.
Trẻ sứt môi có vị trí hay gặp nang vòm miệng là rìa vòm miệng, thay vì đường giữa như trẻ không sứt môi.
Nanh sữa được chẩn đoán chỉ dựa trên các đặc điểm lâm sàng của chúng. Không cần xét nghiệm hoặc chụp phim vì chúng không liên quan đến xương.
- MÔ BỆNH HỌC
Cả 3 loại tổn thương trên đều là các u nang chứa đầy keratin được lót bởi biểu mô vảy phân tầng cận sừng.
- CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT
Nanh sữa cần được chẩn đoán phân biệt với răng sơ sinh (natal and neonatal teeth) và eupolis bẩm sinh (congenital eupolis).
Răng sơ sinh rất hiếm gặp và thường nằm ở vùng răng cửa dưới. Chúng có xu hướng di động vì chúng thiếu chân hoặc quá ngắn. Những chiếc răng này thường được nhổ để tránh việc nuốt phải. Răng sơ sinh có thể liên quan đến các bệnh lý về phát triển và các hội chứng đã được công nhận, bao gồm Rubinstein-Taybi, Hallerman-Streiff, Ellis-can Creveld, Pierre-Robin, pachyonychia congentia, polydactyly xương sườn ngắn loại II, steatocystoma multiplex, cyclopia, và Pallister-Hall. Do đó, cần đánh giá di truyền nếu bệnh nhân có đặc điểm dị hình khác.
Eupolis bẩm sinh là mối khối sưng mềm có cuống lành tính có đường kính 1mm đến vài cm, thường nằm ở phần phía trước gờ hàm trên và xuất hiện khi mới sinh. Những tổn thương này có kích thước lớn hơn, ảnh hưởng đến hô hấp và ăn uống, và chúng thường được cắt bỏ trong những tuần đầu tiên sau sinh. Chúng không tự thoái triển hoặc tái phát sau khi cắt bỏ.
- NANH SỮA CÓ GÂY NGUY HIỂM?
Nanh sữa có thể tự vỡ ra một cách tự nhiên, giải phóng chất sừng trong vòng vài tuần đến vài tháng đầu sau khi sinh. Hầu hết các tổn thương đều không còn thấy sau 3 tháng tuổi.
- CÓ NÊN LOẠI BỎ NANH SỮA CHO TRẺ?
Khi trẻ đã được chẩn đoán bị nanh sữa thì các bậc cha mẹ cũng không nên quá lo lắng. Trước tiên, cần đánh giá xem nanh sữa có gây khó chịu gì cho trẻ không, trẻ có quấy khóc, sốt bỏ bú hay không. Nếu không có những dấu hiệu trên chỉ cần vệ sinh răng miệng cho trẻ thật tốt và theo dõi.
Trong hợp trẻ mọc nanh sữa kèm theo các biểu hiện khác như: trẻ bú kém, bỏ bú, quấy khóc hay nanh sữa có biểu hiện nhiễm khuẩn, sưng đỏ niêm mạc, loét, trẻ sốt… thì nên cho trẻ đến khám tại các cơ sở ý tế. Nếu có dấu hiệu nanh nhiễm khuẩn gây đau, khó chịu cho trẻ cần đưa trẻ đến khám nha sĩ để chích hoặc nhể nanh.
Tại Nha khoa Như Ngọc có đội ngũ bác sĩ điều trị có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm luôn cập nhật, tiên phong trong phác đồ điều trị, trẻ sẽ được chăm sóc toàn diện với sự chuyên nghiệp, thấu hiểu tâm lý trẻ.
Ths. BSNT. Đỗ Thị Bình