-
Chỉnh nha là gì?
Chỉnh nha là sử dụng các phương pháp nắn chỉnh răng để điều trị các sai lệch về mặt chức năng và thẩm mỹ của hệ thống nhai, cải thiện khả năng ăn nhai cũng như sức khỏe của hàm răng và giúp người bệnh tự tin hơn trong giao tiếp.
Chỉnh nha chính là phương pháp giúp khắc phục nhiều vấn đề về răng
– Những đối tượng với chỉ định chỉnh nha có thể kể đến như người bị hô, móm, răng thưa, mất răng, thiếu răng, khớp cắn sâu hoặc hở, khớp cắn chéo một răng, răng mọc chen chúc, răng vĩnh viễn mọc sai vị trí, một số trường hợp chỉnh nha kết hợp với điều trị phẫu thuật, cụ thể là:
+ Hô răng: Là tình trạng hàm răng phía trên bị chìa ra quá mức so với hàm dưới, có thể do nguyên nhân hàm trên quá phát, hoặc hàm dưới kém phát triển, hoặc phối hợp nguyên nhân cả hai, vì thế răng rất dễ gặp phải những chấn thương, cản trở sự thông khí do cản trở đường thở. Do đó, những trường hợp này cần được khắc phục để bảo vệ răng và đồng thời cải thiện thẩm mỹ cho người bệnh.
+ Khớp cắn sâu: Khi hai hàm cắn lại với nhau thì răng hàm trên sẽ trùm quá nhiều lên phần răng hàm dưới. Tình trạng này được gọi là khớp cắn sâu. Nếu không điều trị có thể dẫn đến những tổn thương lợi và răng. Lâu dài có thể ảnh hưởng đến khớp thái dương hàm gây nên những rối loạn khớp.
+ Khớp cắn ngược: Những người bị khớp cắn ngược là răng hàm trên nằm trong răng hàm dưới nếu hai hàm răng của họ cắn lại với nhau. Trong trường hợp lực cắn của răng hàm dưới không đúng có thể dẫn đến nguy cơ gây tiêu xương mặt ngoài của phần răng cửa của hàm dưới. Ngoài ra những người có khớp cắn ngược đều thể hiện một yếu tố rất xấu về thẩm mỹ khuôn mặt . Khớp cắn ngược là tình trạng hàm răng phía dưới bị chìa ra quá mức so với hàm dưới
+ Khớp cắn hở: Là tình trạng xảy ra khi có một khoảng hở giữa hai hàm nếu hai hàm răng của người bệnh cắn lại với nhau. Khi gặp phải tình trạng này, bệnh nhân rất khó để nhai thức ăn do hàm không khít. Thức ăn không được nghiền nhỏ vì những vấn đề ở răng có thể dẫn đến những hậu quả không tốt cho hệ tiêu hóa.
+ Răng thưa: Đây là tình trạng gặp ở rất nhiều người. Người bệnh có thể bị răng thưa do mất răng, thiếu răng hoặc các răng to nhỏ không đều nhau,… dẫn tới có những khoảng trống giữa các răng. Điều này không những ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn khiến cho người bệnh gặp nhiều khó khăn khi nhai thức ăn. Chính vì thế, cần được khắc phục sớm.
+ Răng chen chúc: Hiện tượng này là do bất cân xứng kích thước răng và cung hàm gây ra, thường do cung hàm nhỏ hơn so với kích thước răng. Nếu không được khắc phục sớm, tình trạng chen chúc răng có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe răng miệng. Nguyên nhân là vì khi bị chen chúc, răng rất khó được làm sạch và rất dễ dẫn đến các bệnh về lợi và nguy cơ sâu răng.
Nếu không được điều trị chỉnh nha, bệnh nhân có thể gặp phải nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày và rất tự ti khi trò chuyện với mọi người xung quanh. Dưới đây là một số nguy cơ cụ thể:
+ Người bệnh khó khăn khi nhai, chán ăn, kém ăn và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của hệ tiêu hóa.
+ Bệnh nhân gặp nhiều khó khăn trong việc vệ sinh và chăm sóc răng miệng hàng ngày.
+ Nếu tình trạng sai khớp cắn của bệnh nhân kéo dài mà không được điều trị có thể gây ra những tác động rất nghiêm trọng đến cơ xương khớp.
+ Bệnh có thể gây ảnh hưởng lớn đến gương mặt và nụ cười của bệnh nhân.
+ Đáng lo ngại hơn khi tình trạng sai khớp cắn kéo dài còn có thể dẫn đến hội chứng SADAM hay còn được gọi là hội chứng vùng khớp thái dương hàm.
-
Khi nào thì nên chỉnh nha?
Thời điểm chỉnh nha luôn là câu hỏi được đặt ra nhiều nhất. Và để trả lời cho câu hỏi này, chỉnh nha có thể gói vào trong ba giai đoạn chính sau:
+ Chỉnh nha phòng ngừa: Chỉnh nha can thiệp ngay từ những giai đoạn trẻ còn nhỏ, đang trong giai đoạn thay răng, can thiệp ở giai đoạn này giúp định hướng cho các răng vĩnh viễn có thể được định vị đúng vị trí trong cung hàm, giúp cho xương hàm có những sự phát triển tương đối thuận lợi. Chủ yếu trong giai đoạn này cần phải kiểm soát tốt những nguy cơ xuất hiện như sâu răng…
+ Chỉnh nha ngăn chặn: Là giai đoạn sau hơn của chỉnh nha phòng ngừa, can thiệp sớm vào những sự lệch lạc đang diễn ra, điều chỉnh cho những sai lệch đó không trầm trọng hơn, do đó giúp kiểm soát được những yếu tố nguy cơ và hạn chế những can thiệp nặng nề hơn
![]() |
![]() |
+ Chỉnh nha sửa chữa: Là những can thiệp chỉnh nha khi những sai lệch đã được hình thành một cách đầy đủ mà không hoặc rất ít những điều chỉnh từ hai giai đoạn trước, thường những can thiệp ở giai đoạn này đã có những chỉ định nặng nề hơn như nhổ răng, đeo các khí cụ liên hàm khá cồng kềnh, hay chính cả những can thiệp phẫu thuật.
Thời gian chỉnh nha trong vòng bao lâu?
– Thời gian chỉnh nha kéo dài qua nhiều lần hẹn và thời gian điều trị cũng thay đổi ở từng bệnh nhân khác nhau.
– Chỉnh nha có thể thay đổi từ 6 tháng đến 3 năm, một số trường hợp trầm trọng, thời gian điều trị có thể kéo dài hơn 3 năm.
– Bệnh nhân cần tái khám mỗi tuần (hoặc lâu hơn) tùy yêu cầu của bác sỹ. Mỗi lần điều trị trên ghế trung bình 15 – 30 phút.
– Sau thời gian này, khí cụ gắn trên răng sẽ được tháo bỏ và chuyển sang giai đoạn duy trì. Khí cụ duy trì cần mang thường xuyên và thường kéo dài khoảng 6 tháng đến 1 năm tiếp theo hoặc lâu hơn.
Như vậy với mỗi một giai đoạn phát triển của bộ răng, sự can thiệp của chỉnh nha là luôn cần thiết, điều quan trọng là bố mẹ luôn phải có ý thức giữ gìn hàm răng của con tránh bị tình trạng gặp phải những bệnh lý cũng như tổn thương không có lợi. Điều cần thiết phải làm là đưa con đến nha sỹ từ sớm để có thể được thăm khám và tư vấn những can thiệp hợp lý giúp cho tính toàn vẹn của sự phát triển bộ răng được đảm bảo.