I. TẠI SAO TRẺ HAY MÚT NGÓN TAY
Ngay sau khi sinh, trẻ hình thành phản xạ nuốt và phản xạ bám víu, giúp trẻ phát triển và ảnh hưởng đến định hướng ban đầu ở trẻ. Nhờ phản xạ nuốt mà trẻ được no bụng nên phản xạ này phát triển trội hơn phản xạ bám.
Trong quá trình phát triển, trẻ nhận biết, tìm hiểu thế giới xung quanh thông qua việc nghe, nhìn rồi cho vào miệng những vật mà trẻ cầm hoặc thấy. Việc cho vật vào miệng sẽ giúp trẻ biết được vật ngon hay dở, đồng thời có thể làm mất cảm giác đói. Kinh nghiệm cho trẻ biết các vật cho vào miệng (nhất là vật mềm và ấm) sẽ đi kèm với thức ăn và sự thoải mái dễ chịu. Do đó, khi đói, bất an, mệt mỏi, hay khó chịu, trẻ sẽ đút ngón tay vào miệng.
Mút ngón tay ở người lớn nguyên nhân có thể do rối loạn tâm thần, hoặc đơn giản chỉ là do tiếp tục thói quen từ thời thơ ấu. Người lớn thường mút tay ở trạng thái vô thức.
II. KHI NÀO MÚT NGÓN TAY TRỞ THÀNH MỘT VẤN ĐỀ CẦN ĐIỀU TRỊ
Mút ngón tay là một thói quen bình thường ở trẻ, có thể xuất hiện từ tuần thứ 15 trong thời kỳ bào thai (phát hiện được khi siêu âm) hoặc từ lúc mới sinh cho đến đầu thời thơ ấu. Khoảng 2/3 số trẻ đều ngừng thói quen này trước 4 – 5 tuổi. Tuy nhiên, nhiều trẻ lớn tuổi vẫn giữ thói quen này, thậm chí cho tới khi đã trưởng thành và do vậy, gây ra những lệch lạc răng hàm cần phải điều trị.
Việc ngừng thói quen mút ngón tay trước khi mọc các răng cửa vĩnh viễn đầu tiên sẽ không ảnh hưởng gì đến việc mọc và sắp xếp các răng vĩnh viễn. Nếu thói quen vẫn kéo dài đến thời kỳ mọc răng cửa vĩnh viễn đầu tiên sẽ gây ra những rối loạn cho việc mọc răng hoặc sắp xếp các răng hoặc cả hai. Nếu trẻ ngừng mút tay lúc 8 – 10 tuổi thì phần lớn các hậu quả có thể điều chỉnh được do các mức độ lệch lạc khớp cắn thường chỉ là ít và chậm mọc răng.
Sự thay đổi về răng và khớp cắn rất đa dạng, tùy thuộc vào độ mạnh, tần suất và thời gian kéo dài của thói quen cũng như cách thức mút ngón tay (vị trí đặt ngón tay trong miệng), trong đó, sự kéo dài của thói quen đóng vai trò quan trọng nhất. Nghiên cứu cho thấy mút ngón tay tối thiểu 4 – 6 giờ/ngày với lực trung bình sẽ gây nên di chuyển răng trong khi việc mút ngón tay với lực lớn nhưng không liên tục không gây di chuyển răng.
III. TÔI CÓ THỂ LÀM GÌ ĐỂ KHUYẾN KHÍCH CON NGỪNG MÚT NGÓN TAY CÁI?
Nói chuyện trẻ loại bỏ thói quen mút ngón tay. Cha mẹ có thể khuyến khích các con loại bỏ thói quen bằng cách khen ngợi trẻ hoặc đưa ra những phần thưởng nhỏ Đặt các mục tiêu có thể đạt được, chẳng hạn như không mút ngón tay cái một giờ trước khi đi ngủ. Dán các nhãn dán lên lịch để ghi lại những ngày con bạn tránh được việc mút ngón tay thành công.
Xác định các yếu tố nguyên nhân. Nếu trẻ mút ngón tay để phản ứng căng thẳng và stress, hãy xác định nguyên nhân và giúp trẻ vượt qua căng thẳng.
Đưa ra những lời nhắc nhở nhẹ nhàng. Đừng la mắng, chỉ trích hay, hãy đồng hành cùng con trong suốt quá trình loại bỏ thói quen xấu này.
IV. NHA SĨ CÓ THỂ GIÚP TRẺ THẾ NÀO?
Kết hợp cùng gia đình giúp trẻ loại bỏ thói quen xấu. Một số trường hợp cần kết hợp các khí cụ để giúp trẻ loại bỏ thói quen mút tay. Trẻ cần được thăm khám và điều trị các vấn đề về khớp cắn gây ra bởi mút ngón tay