Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến mất răng là do sâu vỡ răng gây nên các bệnh lý tiến triển khác như viêm tủy, hoại tử tủy, viêm quanh cuống hay nứt vỡ chân răng. Để có thể bảo tồn và phục hồi các răng này, cần được điều trị tủy và phục hồi thân răng tốt. Thất bại trong việc bảo tồn răng trên thực tế lại đến phần lớn từ những thất bại trong việc phục hồi thân răng đã sâu vỡ, đặc biệt với các răng mất tổ chức lớn.
Các trường hợp răng có tổ chức cứng của răng bị mất quá nhiều là tình trạng rất thường gặp. Nhưng đây lại là những ca điều trị thách thức vì đòi hỏi độ bền cũng như khả năng lưu giữ phục hình sau điều trị tồn tại được lâu dài. Khả năng lưu giữ được phục hình chụp/bọc sứ hay onlay/overlay/endocrown sứ là vấn đề được quan tâm nhất, vì nó sẽ quyết định trực tiếp đến thành công của điều trị.
Chỉ định việc đặt chốt cho răng đã điều trị tủy được đặt ra trong những trường hợp yêu cầu:
Tăng khả năng lưu giữ phục hình – đây là mục đích chính và là yêu cầu tối quan trong của việc đặt chốt
Có thể gia cố chân răng trong trường hợp thành ngà răng đã bị mở rộng quá mức còn quá mỏng
Chốt khi được gắn chắc chắn cũng có thể phục vụ nhiệm vụ trám bít kín khít phần ống tủy phía trên, đảm bảo không tái nhiễm khuẩn.
Tuy nhiên việc lựa chọn đặt chốt cũng cần cân nhắc cho từng ca về mức độ cần thiết, lựa chọn loại chốt phù hợp. Bởi vì khi đặt chốt mà không hiểu biết đầy đủ sẽ có thể thực hiện sai mục đích của việc cắm chốt. Quá trình sửa soạn ống tủy để đặt chốt nếu quá mức, không bảo tồn ngà răng sẽ càng làm yếu chân răng, thay vì các lợi ích ban đầu đặt ra.
Chốt phục hồi răng sau điều trị tủy có thể được phân loại dựa theo cách chế tác hoặc vật liệu chế tạo chốt. Bao gồm chốt cá nhân hóa (chốt hợp kim đúc, chốt Zirconia), hoặc chốt chế tạo sẵn (các chốt gia cố sợi, chốt kim loại, chốt Zirconia). Thiết kế chốt cũng có nhiều thay đổi về hình dáng (hình trụ song song, hình trụ thuôn), chốt thụ động hay chốt chủ động (có ren vặn vào ống tủy). Mỗi loại chốt đều có ưu nhược điểm của nó, lựa chọn ưu tiền loại chốt nào tùy theo yêu cầu cụ thể của từng ca và chỉ định của bác sĩ.
Để thực hiện cắm chốt, bác sĩ sẽ sửa soạn, tạo hình ống tủy để phù hợp với loại chốt được chỉ định. Việc sửa soạn này nên dừng lại ở mức tối thiểu vừa đủ đặt được chốt, không nên mở rộng ống tủy quá sẽ làm yếu chân răng, có thể tăng nguy cơ gãy chân răng.
Bước tiếp theo là lấy dấu, tạo khuôn để chế tạo ra chốt (đối với chốt cá nhân hóa). Đối với chốt chế tạo sẵn, bước tiếp theo là chọn chốt phù hợp về kích thước, hình dạng. Sau khi đã có chốt phù hợp với chân răng, bác sĩ sẽ tiến hành đặt chốt, sử dụng các loại chất gắn chuyên dụng. Đây là bước cuối cùng trước khi thực hiện sửa soạn răng lấy dấu làm các phục hình sứ.
Ca lâm sàng: (PBL) bệnh nhân nam 60 tuổi đến với tình trạng răng 22 gãy thân răng ngang lợi. Bệnh nhân được tiến hành điều trị tủy răng 22 và đặt chốt đúc để tạo điểm lưu giữ cho phục hình chụp toàn sứ thay thế phần thân răng đã mất.
Sau điều trị, bệnh nhân ăn nhai hoàn toàn bình thường. Lưu ý với trường hợp răng cửa, việc so màu bằng máy so màu cũng như bằng máy ảnh với các bảng so màu tiêu chuẩn là chìa khóa để tạo lại một phục hình đẹp tự nhiên, giống răng thật nhất.
Trong tổng thể quá trình điều trị tủy hay điều trị các răng sâu vỡ, có rất nhiều bước, quy trình đều đóng vai trò quan trọng quyết định thành công điều trị. Nhưng với những trường hợp răng mất tổ chức cứng nhiều, tình trạng lâm sàng yêu cầu phải tạo được lưu giữ mạnh để phục hình sứ bên trên có thể tồn tại lâu dài. Vì vậy giải pháp đặt chốt chân răng là bắt buộc để phục hồi những răng này. Do mức độ đa dạng về kỹ thuật cũng như các sản phẩm, phân loại chốt, người bác sỹ cần luôn cập nhật kiến thức, nắm rõ đặc tính của vật liệu mình sử dụng để đạt được hiệu quả lâm sàng tốt nhất cho bệnh nhân.
Bs Đinh Thế Ba