Tác hại của tẩy trắng răng và cách phòng ngừa | ||
TS. Võ Trương Như Ngọc BS.Nguyễn Thị Mai Phương
Một nụ cười rạng rỡ và quyến rũ luôn là điều con người hướng tới để tăng thêm vẻ đẹp cho bản thân. Con người thường muốn làm răng mình trắng hơn để cải thiện diện mạo của mình bởi một hàm răng trắng khỏe thường đồng nghĩa với cái đẹp và một lối sống khỏe mạnh. Khi có một hàm răng trắng, mỗi người sẽ có xu hướng cười nhiều hơn và tự tin vào bản thân hơn trong giao tiếp xã hội và ở một khía cạnh nào đó sẽ giúp họ thành công hơn. Trong những năm gần đẩy, ngành công nghiệp tẩy trắng răng đã có những bước phát triển nhảy vọt nhằm đáp ứng nhu cầu làm đẹp ngày càng cao của xã hội. Những vật liệu mới ra đời cùng những phương thức tẩy trắng hiện đại được áp dụng gần đây đã đem lại những hiệu quả không thể phủ nhận cho những người muốn có một hàm răng trắng hơn. Tuy nhiên, dù công nghệ tẩy trắng răng đã được nghiên cứu kỹ và hoàn thiện dần theo thời gian, không phải không có những tác dụng không mong muốn và việc tìm hiểu kỹ những điểm bất lợi này sẽ giúp mỗi người lựa chọn được hình thức tẩy trắng phù hợp và đem lại hiệu quả nhất cho mình. Trước tiên, nhược điểm được chú ý nhiều nhất của tẩy trắng răng là những tác dụng phụ có thể gặp trong bản thân quá trình tẩy trắng. Phần lớn những tác dụng phụ này là tạm thời, sẽ hết khi quá trình tẩy trắng kết thúc và không phải ai hay hình thức tẩy trắng nào cũng có thể gặp những tác dụng đó, tuy nhiên đây cũng là yếu tố bạn nên cân nhắc tới trước khi quyết đinh tẩy trắng răng. Tác dụng hóa học của chất tẩy trắng răng dù được dùng ở nồng độ đã được chứng minh là an toàn nhưng vẫn có thể gây ra những kích thích cho răng và mô mềm quanh răng, có thể gây đau răng hoặc lợi ở các mức độ khác nhau, làm răng tăng nhạy cảm với nóng, lạnh hay cảm giác nóng rát khi dùng đèn tẩy trắng. Để ngăn ngừa và hạn chế tối đa các tác dụng không mong muốn này, bạn có thể thông báo ngay với bác sỹ nếu mình là người nhạy cảm với kích thích hay bất cứ chất hóa học nào. Trước khi quyết định tẩy trắng được đưa ra, việc thăm khám tỷ mỷ và đánh giá đúng tình trạng sức khỏe của răng và mô mềm là việc làm bắt buộc để có thể lựa chọn hình thức tẩy trắng an toàn và phù hợp nhất. Vai trò của nha sỹ là hết sức quan trọng trong việc tiên lượng điều trị, cần thông báo cho bệnh nhân tình trạng răng miệng của họ và đưa ra những lời khuyên và dặn dò cho từng trường hợp cụ thể. Tác dụng phụ, có thể nói đáng sợ nhất đấy là hiện tượng ngoại tiêu chân răng. Khi có biến chứng này thì rất khó có thể hồi phục. Để tránh tai biến này, nha sỹ cần phải khám cẩn thận và chỉ định đúng khi nào nên tẩy, khi nào không và dùng thuốc như thế nào cho hợp lý. Không nên lạm dụng các thuốc tẩy trắng có nồng độ cao và các đèn sinh nhiệt để tẩy trắng vì nguy cơ gây nhạy cảm cũng như các tai biến khác là rất cao. Nhiều trường hợp, bên cạnh tác dụng tẩy trắng, bề mặt men cũng có hiện tượng mất khoáng nhẹ. Hiện tượng này là hiện tượng có hồi phục, do vậy sau khi tẩy trắng cần chú ý đến vấn đề tái khoáng hóa, chống nhạy cảm cho răng. Các nghiên cứu khoa học đã cho thấy việc tẩy trắng răng có thể đem lại hiệu quả hoàn toàn cho trên 78{b4f0efd8c881c60736075880b613e269d75c3de1c8821cc3b60020402478951b} số bệnh nhân, như vậy kết quả tẩy trắng răng không phải lúc nào cũng mỹ mãn cho tất cả các trường hợp. Trong một số trường hợp răng đổi màu nghiêm trọng, tẩy trắng răng có thể không phải là lựa chọn tốt nhất, khi đó, phục hình thẩm mỹ sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn cho bệnh nhân dù chi phí có phần cao hơn. Hãy hỏi nha sỹ một cách kỹ lưỡng về mức độ đổi màu của răng bạn và kết quả có thể thu được sau khi tiển hành tẩy trắng. Việc đánh giá mức độ nhiễm màu răng không phải vấn đề đơn giản bởi nguyên nhân gây đổi màu răng rất đa dạng, nó đòi hỏi người nha sỹ phải có hiểu biết sâu về nhiều lĩnh vực cũng như có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nha khoa thẩm mỹ. Việc duy trì kết quả tẩy trắng cũng là vấn đề được nhiều bệnh nhân quan tâm. Cách tốt nhất là phải tìm hiểu kỹ và theo đúng chỉ định của bác sỹ khi lựa chọn hình thức tẩy trắng. |