RỐI LOẠN KHỚP THÁI DƯƠNG HÀM

Rối loạn khớp thái dương hàm là bệnh lý thuộc vùng hàm mặt có liên quan đến áp lực và căng thẳng trong cuộc sống hằng ngày. Bệnh ảnh hưởng nhiều đên chất lượng cuộc sống của người bệnh, khó điều trị dứt điểm, dễ tiến triển thành mạn tính. Tuy nhiên, vì không nhìn thấy tổn thương thực thể cũng như không có tác cấp tính đến tính mạng, bệnh thường xuyên bị bỏ qua. Bài viết này khái quát về triệu chứng cũng như cung cấp cho bạn đọc hướng xử nói chung, các cách thức tự chăm sóc bệnh nhân có thể áp dụng để giảm bớt triệu chứng của rối loạn khớp thái dương hàm.
RỐI LOẠN KHỚP THÁI DƯƠNG HÀM LÀ GÌ?
Rối loạn khớp thái dương hàm (danh pháp quốc tế là Temporomandibular Disorder, gọi tắt là TMD) là nhóm các rối loạn của hệ thống nhai, bao gồm các rối loạn về cơ, rối loạn khớp và rối loạn của các mô liên quan. TMD là nguyên nhân phổ biến thứ hai (chỉ sau đau răng) trong các chứng đau vùng miệng mặt, có nguy cơ cao trở thành mạn tính, và gây ảnh hưởng đáng kể lên chất lượng cuộc sống.
Khớp thái dương hàm là khớp kết nối giữa xương hàm dưới và xương thái dương của hộp sọ. Nhờ khớp và hệ thống cơ nhai xương hàm có thể di chuyển lên trên, xuống dưới, sang bên trong động tác nhai, nuốt, nói.
Tỉ lệ mắc TMD trên các nước đã được thống kê dao động từ 6 đến 30% dân số. Ở Mỹ, tỉ lệ mắc mới hàng năm của TMD lên đến 3-4%, gặp nhiều ở nữ hơn nam với tỉ lệ 1,3/1. Tỉ lệ mắc mới có xu hướng tăng dần theo tuổi đến năm 45 tuổi, sau đó giảm dần. Trong tất cả các ca mắc mới, chỉ có 12% là khỏi hoàn toàn, 65% có tái phát, trong khi 19% tiến triển thành mạn tính.
NGUYÊN NHÂN GÂY RA TMD LÀ GÌ?
Nguyên nhân cũng như sinh lý bệnh học của TMD hiện nay vẫn còn tranh cãi. TMD được xem là một bệnh đa nguyên nhân, kết hợp các yếu tố bẩm sinh, stress tâm lý, các chấn thương vào vùng cổ, vùng hàm, nghiến răng vào ban đêm, thói quen cắn chặt răng vào ban ngày. Các thói quen khác có thể là trầm trọng thêm triệu chứng của bệnh bao gồm chế độ ăn cứng, chế độ ăn dai, nhai lệch một bên, ngủ nằm nghiêng một bên, thói quen cắn đồ vật, chống cằm, nghiêng đầu một bên trong thời gian dài (chơi violin hay kẹp điện thoại) đi giầy cao gót quá cao, ngồi làm việc sai tư thế, mang vác đồ vật nặng một bên.
TRIỆU CHỨNG CỦA TMD LÀ GI?
• Bệnh có thể tái phát nhiều lần. Triệu chứng gây khó chịu nhất của TMD là đau, cảm giác mỏi hàm, cứng hàm. Cơn đau tăng lên khi ăn nhai, há rộng miệng (trong ngáp). Những vị trí đau của TMD thường là một hoặc hai bên má, quanh tai, thái dương nên đôi khi bệnh nhân miêu tả cơn đau của mình là đau tai hoặc đau đầu.
• Bệnh nhân đôi khi cảm thấy vướng, kẹt khi há hay ngậm miệng. Tiếng “click”, tiếng “pop”, tiếng cọt kẹt xuất hiện khi há ngậm miệng, hoặc khi ăn nhai. Những tiếng trên có thể xuất hiện có hoặc không kèm với đau.
• Đôi khi bệnh nhân có thể cảm thấy các răng đột nhiên chạm nhau một cách bất thường, răng không chạm một bên.
• Các triệu chứng có thể kèm theo bao gồm: cảm giác sưng ở bên mặt bị đau, đau răng, đau tai, ù tai, đau đầu, đau cổ, đau vai,
TMD ĐƯỢC CHẨN ĐOÁN NHƯ THẾ NÀO?
Có rất nhiều bệnh có thể gây ra triệu chứng tương tự như TMD, như các bệnh của răng, bệnh lý tuyến nước bọt mang tai, các bệnh đường tai mũi họng, các bệnh đau đầu tiên phát, đau dây thần kinh. Vì vậy, việc chẩn đoán phân biệt trở nên rất quan trọng.
Bác sỹ sẽ hỏi bệnh sử, đặc điểm cơn đau, các bệnh lý toàn thân nếu có. Thăm khám lâm sàng bao gồm các kiểm tra xúc giác, kiểm tra răng miệng, khớp, các tiếng kêu khi bạn há ngậm miệng, đồng thời kiểm tra biên độ và đường đi há ngậm. Bác sỹ cũng có thể đề nghị chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ để hỗ trợ chẩn đoán. Trong những trường hợp nghi ngờ liên quan đến các mặt bệnh khác, bệnh nhân sẽ được chuyển khám những chuyên khoa có liên quan như miễn dịch, tai mũi họng, thần kinh.
ĐIỀU TRỊ TMD NHƯ THẾ NÀO?
Có nhiều lựa chọn điều trị cho TMD. Có hai nhóm phương pháp là các điều trị chính và các điều trị bổ sung. Nhóm các phương pháp điều trị chính có các điều trị hoàn nguyên (thuốc, khí cụ đeo miệng) và các điều trị không hoàn nguyên (phẫu thuật, can thiệp khớp cắn). Nhóm các điều trị bổ sung rất đa dạng, là các phương pháp vật lý trị liệu và hướng dẫn tự chăm sóc.
Thuốc trong điều trị TMD thường là thuốc giảm đau, giãn cơ. Thuốc có thể được áp dụng theo đường uống hoặc tiêm tại chỗ. Việc sử dụng thuốc phải theo chỉ định và hướng dẫn của bác sỹ.
Khí cụ đeo miệng là phương pháp phổ biến do tính hoàn nguyên, không can thiệp của điều trị và hiệu quả đã được đã đươc chứng minh qua các bằng chứng thử nghiệm lâm sàng. Khí cụ thường được chế tạo bằng vật liệu đặc biệt chuyên dụng, có nhiều loại được thiết kế cho các mặt bệnh khác nhau. Khí cụ đeo miệng là lựa chọn ưu tiên hàng đầu trong các hướng dẫn điều trị các vấn đề rối loạn khớp thái dương hàm do nó có thể xử trí nhiều vấn đề kết hợp trên một bệnh nhân, như vừa có tác dụng chống tác hại của nghiến răng, thư giãn cơ, giảm đè nén nội khớp, và đôi khi được dùng như một phương pháp hỗ trơ điều trị khác (nâng khớp trong chỉnh nha hoặc phục hình).
Phẫu thuật trong điều trị loạn năng khớp thái dương hàm chỉ được chỉ định trong trường hợp thật cần thiết. Ở một số bệnh trong TMD, phẫu thuật có tỉ lệ tái phát cao và kết quả không vượt trôi so với điều trị bảo tồn, nên hiện nay, đa phần các mặt bệnh trong TMD thường được điều trị bằng các phương pháp bảo tồn. Các can thiệp ở mức độ nhẹ hơn như bơm rửa khớp nhằm loại bỏ mô viêm, bôi trơn khớp và giảm đau.
Các biện pháp vật lý trị liệu bao gồm giảm đau bằng kích thích điện, siêu âm, laser, massage thường được áp dụng tại các cơ sở y tế. Bên cạnh đó, có một vài phương pháp tự chăm sóc bệnh nhân có thể áp dụng để làm thuyên giảm các triệu chứng của TMD, bao gồm:
• Chườm nóng hoặc chườm lạnh: Chườm khăn lạnh lên bên má và thái dương đau trong khoảng 10 phút. Sau đó tập há miệng môt vài lần theo hướng dẫn của bác sỹ. Khi bạn tập há miệng xong, Áp khăn ấm lên bên mặt đau trong khoảng 5 phút.
• Nhai đều hai bên, tránh ăn đồ cứng hoặc dai: Các thức ăn dai như thịt (trừ thịt cá, tôm) và các loại thức ăn cứng (cà rốt, dưa chuột) nên được nấu mềm và cắt nhỏ khi ăn. Những đồ ăn dẻo như xôi, kẹo cao su tạm thời không nên sử dụng khi đang có triệu chứng.
• Thư giãn tinh thần, điều chỉnh tư tế thoái mái khi làm việc, không ngồi làm việc liên tục 1 tiếng, tạm thời không đi giày cao gót.
KẾT LUẬN
Rối loạn khớp thái dương hàm là một bệnh đa nguyên nhân. Việc điều trị có nhiều lựa chọn, từ những điều trị đơn giản như dung khí cụ cho đến phối hợp đa chuyên khoa trong răng hàm mặt. Lựa chọn điều trị nên được tư vấn bởi bác sỹ chuyên khoa, có sự thống nhất của người bệnh. Nhưng dù là lựa chọn nào, các phương pháp điều trị loạn năng khớp thái dương hàm đều cần đến sự phối hợp giữa bệnh nhân và bác sỹ. Việc duy trì một chế độ làm việc nghỉ ngơi khoa học, tinh thần thoải mái có thể giúp bạn hạn chế nguy cơ mắc loạn năng khớp thái dương hàm.