Răng khôn là gì và tại sao chúng lại hay mọc lệch

Răng khôn là gì và tại sao chúng lại hay mọc lệch

Răng khôn là còn được gọi là ‘ răng số 8”, răng cuối cùng trong cung hàm và là răng mọc cuối cùng ở tuổi trưởng thành.

Thông thường, mỗi người đều có 4 chiếc răng khôn mọc ở độ tuổi từ 17 – 25 tuổi.

Do mọc muộn nên chúng thường không đủ chỗ để  mọc lên hoàn toàn vì vậy, răng khôn sẽ bị kẹt một phần hoặc toàn bộ trong xương hàm

Răng khôn mọc lệch ( hình khoanh tròn)

 

Tại sao cần phải nhổ răng khôn ?

Phần lớn mọi người đều có một hoặc nhiều răng khôn mọc lệch, khi mọc có thể gây ra một số triệu chứng khó chịu như sau:

  1. Sâu răng và viêm quanh răng: Vi khuẩn và thức ăn có thể đọng lại xung quanh răng khôn và vùng kẽ răng bên cạnh. Những vị trí này rất khó vệ sinh làm tăng nguy cơ sâu răng, hôi miệng, đau, dẫn đến nhiễm trùng quanh thân răng.
  2. Đau: Đau tập trung ở vùng răng khôn, trong một số trường hợp tình trạng đau lan sang cả những răng khác và vùng lân cận.
  3. Nang quanh răng: Nhiễm trùng mạn tính quanh thân răng có thể hình thành nang thân răng làm xương hàm tiêu xương dần tăng nguy cơ bị gãy xương hàm.
  4. Gây chen chúc hoặc tái phát sau chỉnh nha: Răng khôn mọc lệch có thể dẫn tới chen chúc các răng phía trước hoặc tái phát sau khi điều trị chỉnh nha do khi mọc tạo ra áp lực đẩy các răng khác.
  5. Đau khớp thái dương hàm và mòn răng :Răng khôn mọc lệch sẽ khiến cho khớp cắn bị sai lệch, không khớp với nhau. Điều đó khiến cho khớp hàm cũng bị xô lệch theo. Lâu dần sẽ gây ra tình trạng viêm khớp thái dương hàm hoặc nghiến răng, mòn răng.
  6. Nhổ răng khôn phục vụ phục hình và chỉnh nha
  7. Dự phòng trước khi quyết định mang thai: Nhổ răng khôn trước khi mang thai giúp loại bỏ những đau nhức, ảnh hưởng do răng khôn mọc lệch và là sự chuẩn bị tốt nhất cho hành trình mang thai, tránh nguy cơ sẩy thai, sinh non ….

 

 

 

Phim toàn cảnh cho thấy răng khôn mọc lệch gây hỏng răng 7 kế bên

 

Lợi ích của việc nhổ bỏ răng khôn :

 

  • Giảm thiểu nguy cơ gây lệch lạc khớp cắn, chen chúc các răng trong tương lai, giảm nguy cơ cắn phải má trong trường hợp má dày.
  • Ngăn ngửa ảnh hưởng xấu đến răng bên cạnh: giảm nhồi nhét thức ăn, viêm kẽ, viêm lợi, tụt lợi, sâu răng.
  • Giảm nguy cơ mắc các bệnh lý khác: việc nhồi nhét thức ăn dai dẳng, nhiễm trùng quanh răng khôn có thể gây ra các bệnh nghiêm trọng như nang quanh thân răng, áp xe má cơ cắn, viêm mô tế bào, viêm nội tâm mạc hay viêm khớp.
  • Giảm đau miệng mặt: việc nhổ răng khôn sớm sẽ đem lại cảm giác dễ chịu đã mất đi khi răng khôn mọc.
  • Vệ sinh răng miệng với vùng răng sau dễ dàng, hơi thở thơm tho.
  • Giảm nguy cơ mắc bệnh lý khớp thái dương hàm, hoặc mòn răng.
  • Giảm thiểu nguy cơ gãy xương hàm : răng khôn mọc ở vị trí góc hàm, chiếm chỗ gây yếu xương hàm dưới , khi bị chấn thương sẽ tăng nguy cơ bị gãy xương hàm.
  • Tạo điều kiện thuận lợi để nắn chỉnh răng, phục hình, phẫu thuật xương hàm.

 

Những nguy cơ lo lắng nhất khi tiến hành nhổ răng khôn ?

Sốc phản vệ và dị ứng thuốc là những nguy cơ lo ngại nhất.

Có kĩ thuật , công nghệ hiện đại nào để phẫu thuật nhổ răng khôn trở nên nhẹ nhàng không ? 

Có một số công nghệ giúp quá trình nhổ răng trở nên nhanh chóng, an toàn đồng thời làm giảm sưng, nuốt đau, khó há miệng…. Bạn có thể lựa chọn:

1.Sử dụng máy rung siêu âm

Đặc trưng của nhổ răng bằng sóng siêu âm là sử dụng những mũi khoan rất mỏng và mảnh từ 0,2-0,5mm, các mũi khoan này rung theo nguyên lý của sóng siêu âm với tần số chọn lọc chỉ tác động lên mô cứng và bảo vệ mô mềm không bị tổn thương. Nhổ răng có sử dụng máy rung siêu âm sẽ giúp:

  • Tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu.
  • Hạn chế tai biến xảy ra khi nhổ răng.
  • Hiện tượng đau sau nhổ răng ít, lành thương nhanh do chỉ gây sang chấn tối thiểu khi nhổ răng.

2. Sử dụng PRF

PRF là huyết tương giàu  tiểu cầu được chiết lọc, li tâm từ chính máu tự thân. Nếu như trong máu chỉ tồn tại khoảng 6% huyết tương và tiểu cầu thì PRF lại sở hữu khoảng  94% cho cả hai loại này.

Để tạo ra PRF, máu tĩnh mạch sẽ qua quy trình ly tâm khép kín, loại bỏ hết bạch cầu, hồng cầu trong máu, chỉ giữ lại huyết tương giàu tiểu cầu. Do vậy khi ghép PRF vào huyệt ổ răng sau khi nhổ răng sẽ giúp :

Rút ngắn thời gian chảy máu sau nhổ răng

Đẩy nhanh quá trình lành thương, chống viêm nhiễm vùng phẫu thuật.

Tái cấu trúc xương, thúc đẩy nhanh chóng quá trinhg làm đầy huyệt ổ răng

Bạn nên làm gì sau khi phẫu thuật?

  • Uống thuốc đầy đủ theo hướng dẫn
  • Cắn chặt gạc và nuốt nước bọt trong 1 giờ để cầm máu, tình trạng rỉ máu có thể xảy ra trong 24h đầu.
  • Có thể chườm lạnh không liên tục để giảm sưng trong 24h đầu sau nhổ răng.
  • Súc miệng nhẹ nhàng sau mỗi bữa ăn trong vòng 5 ngày sau nhổ răng bằng nước súc miệng có chứa Chlorhexidine.
  • Sử dụng bàn chải chuyên dụng có lông mềm với đầu bàn chải nhỏ để chải răng, có thể sử dụng chỉ tơ nha khoa nhưng cần tránh khu vực phẫu thuật
  • Chế độ ăn đồ mềm và đủ nước, ăn đồ ăn để nguội trong ngày đầu tiên sau nhổ răng.
  • Theo dõi các triệu chứng sau nhổ, nếu cần thêm thông tin hãy gọi điện lại cho bác sĩ/ phòng khám theo số điện thoại được ghi ở đơn thuốc.

Bạn không nên làm gì sau khi phẫu thuật?

  • Khạc nhổ, mút chít hay chọc tay vào vùng nhổ răng
  • Ăn đồ ăn thô, cứng, quá nóng hay quá lạnh.
  • Nhai kẹo cao su, hút thuốc lá và rượu bia trong vòng 5 ngày sau nhổ răng.
  • Uống rượu bia hoặc lái xe trong khi đang dùng thuốc.
  • Làm những việc nặng nhọc trong 48h đầu sau nhổ răng.

Một số hiện tượng có thể xảy ra sau nhổ răng :

  1. Hiện tượng sưng nề vùng má : tùy trường hợp và kỹ thuật nhổ răng, sưng nề có thể kéo dài 1-3 ngày sau nhổ răng.
  2. Khó há miệng : do vùng góc hàm bị sưng kích thích cơ cắn gây co cơ, dấu hiệu này sẽ giảm sau 2-3 ngày.
  3. Nuốt hơi đau do phản ứng viêm.
  4. Rối loạn cảm giác tạm thời do thuốc tê hoặc do răng khôn ngầm sâu.

 

Những dấu hiệu trên có thể được hạn chế tối đa với các công nghệ hiện đại như: nhổ răng sang chấn tối thiểu với sóng siêu âm, tái sinh mô với PRF.