KHE HỞ MÔI VÒM VÀ TÁC ĐỘNG CỦA CHỈNH NHA TỚI THẨM MỸ

 Khe hở môi vòm là bệnh lý bẩm sinh khá phổ biến trong cộng đồng. Nó gây ra một loạt các vấn đề về chức năng cũng như thẩm mỹ bao gồm tác động xấu đến các cơ quan liên quan như tai mũi họng dẫn tới ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng nhai, bú, nuốt, nói ở trẻ em. Ngoài ra, khe hở môi vòm cũng gây ra các vấn đề xã hội và tâm lý có tác động lâu dài đến trẻ em và cha mẹ. Thông thường người bệnh có khe hở môi vòm thường tự ty với vẻ ngoài khác biệt của mình ngay cả khi đã phẫu thuật đóng khe hở dẫn tới có thái độ bẽn lẽn, ngại giao tiếp, ngại xuất hiện cùng với bạn bè, đồng nghiệp.

  Chỉnh nha đóng vai trò vô cùng quan trọng trong điều trị cho bệnh nhân có khe hở môi vòm khi gần như can thiệp vào tất cả các giai đoạn của phát triển từ lúc sinh ra cho tới giai đoạn đã kết thúc tăng trưởng nhằm phối hợp, tối ưu hoá điều trị cho bệnh nhân.

1.Chúng ta có thể phát hiện được trẻ mắc khe hở môi vòm khi nào?

 Hầu hết các trường hợp khe hở môi vòm được chú ý ngay khi sinh và không cần xét nghiệm đặc biệt để chẩn đoán. Ngày nay, sứt môi và khe hở vòm miệng được phát hiện trên siêu âm trước khi em bé được sinh ra. Khe hở môi có thể được phát hiện với siêu âm bắt đầu vào khoảng tuần thứ 13 của thai kỳ. Tỷ lệ chính xác của chẩn đoán sẽ cao hơn khi thai nhi lớn dần với rõ ràng đặc điểm hình thái hơn. 

2.Nguyên nhân của khe hở môi vòm?

 Các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng: tỉ lệ trẻ mắc khe hở môi vòm là khác nhau giữa các chủng tộc, vùng miền, giới tính, mức độ kinh tế xã hội. Nguyên nhân của khe hở môi vòm có thể do gene, môi trường, hay sự phối hợp cả 2 yếu tố gene và môi trường. Tuy nhiên, nguyên nhân của sứt môi và khe hở vòm miệng vẫn còn chưa được khẳng định rõ ràng và vẫn đang được nghiên cứu chuyên sâu. 

Phân loại khe hở vòm môi:

Hình 1: (Mossey, P. A., Little, J., Munger, R. G., Dixon, M. J., & Shaw, W. C. (2009). Cleft lip and palate. The Lancet, 374(9703), 1773-1785.)

Khe hở môi vòm được chia thành 5 loại chính: 

  • Khe hở môi
  • Khe hở vòm miệng
  • Khe hở môi và vòm bán phần
  • Khe hở môi và vòm toàn phần 1 bên
  • Khe hở môi và vòm toàn phần 2 bên

3.Điều trị cho người bệnh có khe hở môi vòm?

 Trẻ em sinh ra với khe hở môi vòm cần được can thiệp đúng thời điểm, đúng phương pháp để mang lại kết quả tích cực về cả chức năng và thẩm mỹ. Điều trị cho trẻ em khe hở môi vòm cần thời gian dài từ lúc trẻ sinh ra tới khi trưởng thành với sự phối hợp của nhiều bác sĩ chuyên khoa: Phẫu thuật hàm mặt, nhi khoa, tai mũi họng, ngữ âm, chỉnh nha, bác sĩ tâm lý,…

*Các giai đoạn chính của điều trị khe hở môi vòm: Khám chẩn đoán đưa ra kế hoạch điều trị- Chỉnh hình trước phẫu thuật- Phẫu thuật đóng khe hở, tái tạo lại các cấu trúc giải phẫu quan trọng – Chỉnh nha- Phẫu thuật chỉnh hình xương hàm (Nếu có) – Chỉnh nha. 

4.Giai đoạn phẫu thuật:

 Một trong những câu hỏi phổ biến của bố mẹ đó là: “ khi nào thì con chúng tôi có thể thực hiện phẫu thuật, thông thường sẽ phải trải qua những loại phẫu thuật gì?”

 Kế hoạch điều trị cho người bệnh với khe hở môi vòm khác nhau phụ thuộc vào tình trạng người bệnh, mức độ khe hở,… 

 Phẫu thuật thông thường được thực hiện theo các giai đoạn sau:

  • Đóng khe hở môi(Cheiloplasty) – Trong vòng 3 đến 6 tháng đầu tiên
  • Đóng khe hở vòm (Palatoplasty) – Ở 12 tháng tuổi hoặc sớm hơn nếu có thể
  • Phẫu thuật sửa bất cân xứng mũi, sẹo môi (Minor rhinoplasty or lip repair) : 5-6 tuổi 
  • Phẫu thuật ghép xương ổ răng (Alveolar bone graft): 8-10 tuổi
  • Phẫu thuật chỉnh hình xương hàm (Orthognathic surgery)- Thông thường từ 18 tuổi đối với nam, 17 tuổi đối với nữ.

5.Vai trò của chỉnh nha trong quá trình điều trị khe hở môi vòm.

Tóm tắt

 Người bệnh với khe hở môi vòm thường kém phát triển xương và mô mềm hàm trên, hàm trên hẹp, răng chen chúc, thiếu 1 hay nhiều răng tại vị trí khe hở, góc mũi môi bẹt,… dẫn tới ảnh hưởng nghiêm trọng tới thẩm mỹ và chức ăn ăn uống, giao tiếp.

Chỉnh nha giúp nong rộng xương hàm trên, đưa răng về vị trí đúng, thuận lợi làm tiền đề cho phẫu thuật chỉnh hình xương hàm sau này giúp người bệnh đạt được tối ưu cả về chức năng và thẩm mỹ mang lại cuộc sống hoàn toàn mới cho người bệnh.

 Đối với bệnh nhân có khe hở môi vòm, quá trình điều trị bằng chỉnh nha thường bắt đầu từ khi sinh ra bằng các khí cụ chỉnh hình giúp làm thuận lợi hơn cho phẫu thuật đóng khe hở và hoạt động bú nuốt của bệnh nhân. Tới khi gần tuổi trưởng thành, bằng việc đánh giá tổng thể tình trạng mô mềm, răng và xương hàm. Bác sĩ chỉnh nha sẽ thực hiện các bước kiểm tra chi tiết để xác định mức độ phức tạp và các vấn đề liên quan khác như: tình trạng nha chu, khả năng tuân thủ điều trị của trẻ và gia đình,… Sau đó, một kế hoạch điều trị sẽ được xây dựng dựa trên tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân. Tùy mức độ phức tạp và mong muốn của bệnh nhân để quyết định có phẫu thuật chỉnh hình xương hàm hay chỉnh nha bù trừ để đưa về trạng thái thẩm mỹ hài hòa nhất mà người bệnh có thể đạt được.

 Quá trình chỉnh nha tổng thể ở giai đoạn xương trưởng thành có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm, tùy thuộc vào mức độ phức tạp  và khả năng đáp ứng của từng bệnh nhân. Ở một số trường hợp phức tạp, khi chỉ chỉnh nha không thể bù trừ lại thiếu hụt và tính cân đối của 2 hàm. Phẫu thuật chỉnh hình xương hàm sẽ được chỉ định phối hợp với chỉnh nha với mong muốn mang lại thẩm mỹ hoàn hảo nhất đối với người bệnh cả về xương, răng và mô mềm.

6.Điều trị trong giai đoạn trẻ sơ sinh

 Can thiệp chỉnh hình ở  trẻ sơ sinh trước phẫu thuật đã được sử dụng trong điều trị bệnh nhân sứt môi và vòm miệng trong nhiều thế kỷ. Năm 1993, Grayson et al. đã mô tả một kỹ thuật mới, hàm đúc mũi xương ổ răng Nasoalveolar Molding (NAM), được sử dụng trước khi phẫu thuật khe hở xương ổ răng, môi và mũi ở trẻ sơ sinh sinh ra với khe hở môi vòm miệng. Ở giai đoạn này, hàm NAM sẽ được thiết kế vừa khít với miệng, được cố định nhờ sự ôm khít với vòm miệng cứng, ngách tiền đình và các băng dính dán hai bên má. Vai trò của bộ khí cụ này là giúp bé bú, mút dễ dàng hơn, ngăn sự thông thương giữa khoang mũi và khoang miệng giảm tối đa sự sặc sữa. Ngoài ra, Việc điều trị bằng hàm NAM có thể giảm tổng số lần phẫu thuật của trẻ bởi vì nó làm giảm sự nghiêm trọng của khe hở môi vòm miệng. Lợi ích của kỹ thuật NAM trong điều trị khe hở môi vòm miệng đã được báo cáo rất nhiều cho tới nay. Việc tạo hình thuận lợi của xương ổ răng, môi và mũi giúp bác sĩ phẫu thuật đạt được kết quả phẫu thuật tốt hơn và dễ dự đoán hơn. Các nghiên cứu về hiểu quả của kỹ thuật NAM chỉ ra rằng có sự thay đổi tích cực về hình dạng mũi, hình dạng cung răng, độ rộng khe hở sau khi kết thúc điều trị giúp giảm số lần phẫu thuật, tỉ lệ thành công tăng,tỉ lệ biến chứng sau phẫu thuật giảm. 

 Các chỉnh hình nâng cao được thực hiện tùy theo tình trạng của mỗi trẻ nhằm làm tròn cánh mũi, dựng thẳng trụ mũi, ngăn lưỡi không chui vào khe hở, không làm khe hở rộng thêm, đồng thời kéo dài phần môi bị ngắn, tạo điều kiện tối đa cho phẫu thuật.

 Quá trình điều chỉnh chỉnh hình khe hở môi, vòm miệng có thể được thực hiện từ khi trẻ được 2 ngày tuổi nếu trẻ khỏe, tạo điều kiện dễ dàng cho trẻ được nuôi dưỡng, chăm sóc tốt về sau cũng như tạo điều kiện tốt cho phẫu thuật sau này. Phẫu thuật sẽ được thực hiện sau khi kết thúc điều trị hàm NAM trong 3-6 tháng.

7.Điều trị ở giai đoạn bộ răng sữa

 Mục tiêu điều trị chính trong giai đoạn bộ răng sữa là tập trung vào việc cải thiện chức năng nói, ăn uống sinh hoạt bình thường. Trong giai đoạn này, bệnh nhân được theo dõi chặt chẽ bởi các các chuyên gia ngữ âm, bác sĩ răng trẻ em, bác sĩ tai mũi họng. Bệnh nhân có thể hoặc không cần điều trị ngữ âm phụ thuộc vào chẩn đoán của chuyên gia. Nếu bệnh nhân được chẩn đoán mắc chứng suy hầu họng, thì bác sĩ phẫu thuật có thể thực hiện một vạt hầu họng để cải thiện phát âm cho bệnh nhân. Phẫu thuật này thường được thực hiện vào khoảng 2 tuổi.

 Ngoài ra việc được thăm khám thường xuyên mỗi 3-6 tháng bởi bác sĩ răng trẻ em là rất cần thiết để đảm bảo quá trình mọc răng sữa và vệ sinh răng miệng, ngăn ngừa sâu răng ở trẻ. Chỉnh nha sẽ chỉ được áp dụng kể từ giai đoạn bộ răng hỗn hợp.

8.Điều trị ở giai đoạn bộ răng hỗn hợp

 Ở giai đoạn trẻ với bộ răng hỗn hợp,  mục tiêu chính là hướng tới phẫu thuật ghép xương ổ răng (SABG) tạo điều kiện cho quá trình mọc răng cửa bên, răng nanh và chỉnh nha sau này. Phẫu thuật ghép xương ổ răng thường được thực hiện trong độ tuổi từ 8-10 tuổi. Lợi ích chính của việc ghép xương ổ răng là:

(1) Để cung cấp đủ xương cho sự trồi lên của răng cửa bên và răng nanh, 

(2) Cung cấp độ che phủ xương và mô mềm đầy đủ xung quanh răng liền kề.

(3 ) Để đóng lỗ rò mũi miệng để ngăn chặn không khí rò rỉ hoặc nước, thức ăn khi ăn uống. 

(4) Tái cấu trúc lại nền mũi trong trường hợp vẫn còn thiếu hụt

(5) Khôi phục lại hình dạng xương ổ răng tại vị trí khe hở cho phép chỉnh nha di chuyển răng và đặt implant trong tương lai.

(6) ổn định khối tiền hàm ở bệnh nhân khe hở môi vòm 2 bên.

 Điều trị chỉnh hình sớm ở trẻ có khe hở môi vòm là cần thiết vì xương hàm trên và các bộ phận cấu thành của chúng có thể được di chuyển và thay đổi ở trẻ nhỏ một cách tương đối dễ dàng và từ đó tạo ra một cung hàm với hình dạng và kích thước hài hoà hơn. Các can thiệp chỉnh nha ở bệnh nhân hở hàm ếch tập trung vào việc điều chỉnh mô hình phát triển xương loại III, mở rộng cung hàm trên, điều chỉnh sai lệch các răng cửa hàm trên, xoay toàn bộ các răng cửa và cắn chéo các đoạn mặt ngoài. Sự thiếu hụt hàm trên có thể là sự phản ánh của sự bất thường cơ bản của xương mà sự điều chỉnh và chuyển hướng tăng trưởng có thể được chỉ định bằng một chiếc mũ đội đầu kéo dài. Phương pháp điều trị nhằm cải thiện tình trạng thiếu hụt vùng giữa mặt được thực hiện bằng cách sử dụng mặt nạ chỉnh hình, khí cụ lưỡi, tấm lưỡi, dụng cụ đeo đầu…. Jamilian và cộng sự đã đánh giá hiệu quả của thiết bị lưỡi đối với tình trạng thiểu sản hàm trên ở bệnh nhân khe hở môi và vòm miệng đang phát triển. Họ cho thấy rằng thiết bị lưỡi đã cải thiện được tình trạng hàm trên bị thiếu hụt. Các khí cụ ngoài miệng không được bệnh nhân lựa chọn sử dụng mà thường lựa chọn các khí cụ có kích thước nhỏ, tiện lợi hơn. Bên cạnh kích thước lớn của các khí cụ ngoài miệng, chúng cần có sự tuân thủ cao và nhiều bác sĩ lâm sàng nhận thấy sự thiếu hợp tác của bệnh nhân được điều trị bằng khí cụ ngoài miệng có kích thước lớn cấu trúc phức tạp.

 Lực của lưỡi trong mỗi lần nuốt có thể là 5 pound. Mỗi bệnh nhân có thể nuốt 500–1200 lần trong 24 giờ. Áp lực từ lưỡi được truyền qua thiết bị lưỡi đến hàm trên bị thiếu. Lực này đẩy phức hợp mũi hàm vào vị trí hướng về phía trước. Nói cách khác, hoạt động chức năng và vị trí sinh lý của lưỡi tạo ra những lực đáng kể được lưỡi dẫn truyền qua các khung vòm miệng và cuối cùng truyền đến phức hợp thiếu hụt hàm trên và mũi.

Điều trị ở giai đoạn bộ răng vĩnh viễn

 Các bệnh nhân có khe hở môi vòm thường có biểu hiện thiểu sản xương hàm trên sai khớp cắn hạng 3, góc mũi môi bẹt. Bác sĩ chỉnh nha sẽ thực hiện khám và đánh giá lâm sàng và cận lâm sàng thông qua phim X- quang để tư vấn chính xác hướng điều trị tiếp theo phù hợp nhất đối với bệnh nhân. Thông thường sẽ có 2 hướng điều trị chính: 

  • Điều trị chỉnh nha bù trừ
  • Điều trị chỉnh nha chuẩn bị cho phẫu thuật chỉnh hình xương.

 Đối với chỉnh nha bù trừ: Phương pháp này chỉ có thể thực hiện trong trường hợp thiểu sản xương hàm trên nhẹ, thiếu hụt tầng mặt giữa ít. Bác sĩ chỉnh nha sẽ tiến hành thay đổi trục của răng hàm trên hàm dưới đảm bảo khớp cắn tôi ưu và độ nhô hài hoà nhất có thể của môi và mô mềm hàm trên.

 Đối với chỉnh nha chuẩn bị cho phẫu thuật chỉnh hình xương: Phương pháp này phù hợp đối với những bệnh nhân thiếu hụt tầng mặt giữa từ trung bình tới nặng. Mục tiêu chỉnh nha trong trường hợp này là dàn đều cung răng, đưa răng về khớp cắn thuận lợi nhất cho quá trình phẫu thuật chỉnh hình xương hàm sau này. Ở giai đoạn này, có thể bệnh nhân sẽ cảm thấy tình hình thẩm mỹ, tương quan răng của mình càng ngày càng tệ đi do cơ chế ngược lại đối với trường hợp chỉnh nha bù trừ nguỵ trang. 

Kết luận

 Việc điều trị thành công cho một bệnh nhân bị khe hở môi và vòm miệng đòi hỏi sự phối hợp cẩn thận của tất cả các bác sĩ chuyên khoa liên quan. Sự phối hợp chăm sóc, quyết tâm, tin tưởng của gia đình, sự hợp tác điều trị của bệnh nhân luôn là yếu tố vô cùng cần thiết ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả điều trị.

“Tự tin được sống, tự do giao tiếp là quyền mà mỗi con người đều nghiễm nhiên được có.”

Nha khoa Như Ngọc tự tin là phòng khám nha khoa phù hợp để người bệnh gửi gắm niềm tin với đội ngũ Y bác sĩ năng lực chuyên môn tốt, học tập từ các nước phát triển trên thế giới: Nhật Bản, Úc, Pháp,Thái lan,…

Bs Khả Anh