CƠ HỘI BẢO TỒN RĂNG NỨT VỠ: PHÁT HIỆN SỚM BẰNG KÍNH HIỂN VI!

Nứt vỡ răng là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến phải nhổ bỏ răng.

 Hàm răng là bộ phận thực hiện chức năng ăn nhai, và một phần còn thể hiện vẻ đẹp của con người. Khi đời sống xã hội ngày càng được cải thiện, mối quan tâm đến vấn đề vệ sinh răng miệng, phòng ngừa sâu răng, viêm lợi càng được nâng cao, dẫn đến tỉ lệ mất răng do các bệnh lý tủy răng và viêm quanh răng giảm đáng kể. Tuy nhiên vẫn có những nguy cơ tiềm tàng khác có thể khiến một chiếc răng phải nhổ bỏ.

Đó là hội chứng nứt vỡ răng. Trong khi các bệnh lý sâu răng, viêm tủy răng có thể chẩn đoán khá dễ dàng bằng các công cụ thăm khám thông thường, thậm chí ngay từ khi mới hình thành tổn thương; thì nứt răng lại hoàn toàn ngược lại, là một tổn thương thường hay bị bỏ sót trên lâm sàng, hậu quả là khi vết nứt tiến triển đến giai đoạn nặng hơn thì chiếc răng đã không thể giữ lại được. Hiện nay với xu hướng nha khoa bảo tồn, các trang thiết bị chuyên biệt đang được cập nhật và hoàn thiện giúp cho việc chẩn đoán sớm và điều trị tổn thương này không còn là thách thức, trong đó đặc biệt phải kể đến sự hỗ trợ đắc lực của kính hiển vi.

1.Hiểu về nứt vỡ răng

Nứt răng là một tình trạng nứt các cấu trúc men/ngà răng, với các triệu chứng điển hình như đau khi cắn, ê buốt với các kích thích trong miệng như nhiệt độ, đặc biệt với đồ lạnh (như nước lạnh, kem…).

Đặc điểm dịch tễ của dạng tổn thương này thường gặp nhiều ở người trên 40 tuổi, nữ nhiều hơn nam. Vị trí hay gặp nhất là ở các răng cối lớn, ít gặp hơn ở răng cửa, răng nanh. Hầu hết các nghiên cứu đều đồng ý rằng nứt răng thường liên quan đến các phục hồi răng (trám răng, inlay…) được thực hiện không tốt.

Các giai đoạn tiến triển của nứt răng thường bắt đầu chỉ bằng một đường rạn men răng, sau đó vết nứt sẽ lan sâu vào đến ngà và tủy răng. Nếu không được phát hiện sớm sẽ dẫn đến vỡ răng, trong nhiều trường hợp, phải nhổ bỏ là hậu quả khó tránh được.

2.Nguyên nhân của nứt vỡ răng

Có thể chia thành 4 nhóm chính như sau:

  1. Các thủ thuật nha khoa phục hồi răng: răng bị mài quá mức, lực xoắn vặn trên cầu răng dài, trám răng không đúng kĩ thuật…
  2. Yếu tố khớp cắn: thói quen nghiến răng, các sang chấn do khớp cắn không đúng…
  3. Yếu tố trong quá trình hình thành răng: cấu trúc răng không khoáng hóa đầy đủ.
  4. Các yếu tố khác: dị vật, dụng cụ nha khoa…

3.Chẩn đoán sớm bằng kính hiển vi và cách xử trí với các trường hợp nứt vỡ răng

Để chẩn đoán một tổn thương nứt răng, bác sĩ nha khoa sẽ khai thác triệu chứng, phối hợp thực hiện các phương pháp:

  1. Quan sát bề mặt răng: sử dụng dụng cụ phóng đại (kính hiển vi, kính lúp) kết hợp chất nhuộm màu, ánh sáng quang sợi…
  2. Thực hiện các test: thử nhiệt, gõ, test cắn.
  3. Chụp phim X-quang.

Trong đó, phương pháp 2) và 3) thường chỉ áp dụng được khi tổn thương đã đến giai đoạn nặng, ảnh hưởng đến tủy răng. Mục tiêu điều trị ngày nay không còn là đợi khi đã có triệu chứng đau nhức mới đến khám để phát hiện bệnh nữa, mà phải phát hiện sớm tổn thương và điều trị ngay từ giai đoạn đầu, không để tiến triển nặng thêm.

Vì vậy, nha khoa bảo tồn với triết lý điều trị sớm và điều trị dự phòng, ứng dụng của dụng cụ phóng đại như kính hiển vi đem lại lợi ích rất lớn cho cả bác sĩ cũng như bệnh nhân. Kính hiển vi với độ phóng đại hàng chục lần, giúp cho nhà lâm sàng có thể quan sát và đánh giá chính xác tổn thương từ sớm, điều mà các biện pháp và công cụ truyền thống không thể đáp ứng được; từ đó mà có biện pháp xử lý thích hợp và ít xâm lấn hơn. Tiên lượng giữ được răng khỏe mạnh lâu dài phụ thuộc rất lớn vào một chẩn đoán chính xác, không bỏ sót tổn thương.

A) Quan sát răng bằng mắt thường. B) Cùng một răng nhìn dưới kính hiển vi. Quan sát rõ đường nứt chạy ngang mặt nhai của răng (mũi tên).

 Quyết định hướng điều trị sẽ không khó khi nhà lâm sàng đã có một chẩn đoán chính xác. Kế hoạch điều trị tùy từng tình huống cụ thể, bao gồm loại bỏ sạch hoàn toàn chất hàn, phục hình cũ trên răng; kiểm tra lại khớp cắn của bệnh nhân (có thể cần chỉnh khớp cắn). Trong trường hợp vết nứt lan rộng, gây viêm tủy thì cần tiến hành điều trị tủy. Sau đó đánh giá kết quả và thực hiện phục hình bảo vệ múi răng như onlay, chụp răng. Tiên lượng kém nhất khi đường nứt đã lan xuống chân răng, trường hợp này răng hầu như không còn giữ được.

 Hội chứng nứt vỡ răng không hiếm gặp, cần được chẩn đoán sớm, tránh bỏ sót khi thăm khám để có can thiệp bảo tồn sớm nhất. Mặc dù chỉ mới được ứng dụng tại Việt Nam chưa lâu, nhưng kính hiển vi nha khoa hứa hẹn sẽ đem lại thay đổi lớn trong hiệu quả điều trị nha khoa, hướng đến nha khoa bảo tồn. Ngoài ra kính hiển vi còn được ứng dụng rất nhiều trong các lĩnh vực răng hàm mặt khác như điều trị nội nha, phẫu thuật.