PHÁT HIỆN BẤT THƯỜNG KHỚP CẮN VÀ THĂNG BẰNG KHỚP CẮN BẰNG CÔNG NGHỆ KỸ THUẬT SỐ TEKSCAN

Khớp cắn là tình trạng các răng tiếp xúc với nhau khi chúng ta cắn lại. Một khớp cắn tốt là khi tất cả các răng tiếp xúc với nhau trong cùng một thời điểm và với lực như nhau. Một khi điều này không xảy ra có nghĩa là khớp cắn không cân bằng. Sự bất hài hòa khớp cắn là lý do chính dẫn tới tình trạng đau răng, đau cơ, đau miệng mặt, đau khớp thái dương hàm, gãy vỡ phục hình, gãy răng, tụt lợi, mòn răng, ê buốt răng, nghiến răng, đau đầu và đau cổ. Điều này ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Chính vì vậy, khớp cắn là nền tảng cần thiết cho mọi công việc của các bác sỹ răng hàm mặt. Khám và điều chỉnh khớp cắn là công việc hàng ngày của các bác sỹ lâm sàng bởi ý nghĩa quan trọng của nó trong thực hành nha khoa. Kiến thức thấu đáo về cắn khớp là cơ sở để có thể hiểu được tại sao lại có sự mất cân bằng răng, tại sao lại có sự mòn quá mức trên các răng, gãy vỡ múi răng, hư hỏng các phục hình hay là sự dịch chuyển vị trí của chúng.

Có nhiều loại vật liệu và phương pháp khác nhau để ghi dấu khớp cắn như giấy cắn, sáp ghi dấu cắn, các loại silicone ghi dấu cắn, màng kim loại shimstock, chất phun xịt khớp cắn… Đây là các vật liệu cho dấu in ở trạng thái tĩnh, trong đó giấy cắn là vật liệu được sử dụng phổ biến nhất. Kỹ thuật sử dụng giấy cắn trong chỉnh khớp cắn được dựa trên giả thuyết rằng giấy cắn cho ra những dấu có đặc tính khác nhau rõ ràng biểu thị cường độ lực trên tiếp xúc răng. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào chứng minh kích thước dấu giấy cắn, độ đậm, hoặc hình dạng sẽ biểu thị chính xác tải lực nhai. Mặc dù thiếu bằng chứng khoa học hỗ trợ nhưng giấy cắn đã được sử dụng lâu đời. Bằng phương pháp này, nhiều nha sĩ cho rằng có thể xác định lực nhai tương đối của các tiếp xúc khớp cắn. Kỹ thuật điều chỉnh khớp cắn bằng giấy cắn truyền thống mô tả hình ảnh được cho là dấu đậm và lớn cho thấy tải lực mạnh, dấu nhỏ hơn và nhạt hơn cho thấy tải lực yếu hơn. Ngoài ra, sự hiện diện của nhiều dấu có kích thước bằng nhau trải dài trên cung răng được cho là cường độ lực nhai bằng nhau đồng đều và diễn ra đồng thời. Đó là những nguyên tắc cốt lõi đóng vai trò như một ”hướng dẫn” cho bác sĩ lâm sàng trong khi mài chỉnh khớp cắn bằng phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, mặc dù đã tuân thủ theo đúng nguyên tắc, nhưng hiện tượng nứt vỡ phục hình, đau cơ, đau khớp thái dương hàm, đau vùng miệng mặt thậm chí đau đầu căng thẳng mạn tính vẫn thường xuyên xảy ra ở nhiều bệnh nhân. Điều này không chỉ gây khó chịu cho bệnh nhân mà còn là thách thức lớn cho bác sỹ nha khoa.

Hình 1. Mài chỉnh khớp cắn bằng giấy cắn

Vậy làm thế nào để có thể tạo ra một khớp cắn hoàn hảo?

Đây là câu hỏi lớn đặt ra cho các bác sỹ răng hàm mặt. Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số, T-Scan đã ra đời và mang lại nhiều giá trị hữu ích trong việc hỗ trợ bác sỹ tạo ra một khớp cắn hoàn hảo cho bệnh nhân. Nó có thể giúp chẩn đoán và đánh giá dễ dàng, chính xác tình trạng khớp cắn xấu, điều chỉnh máng nhai, cân bằng khớp cắn… Khác với phương pháp truyền thống, T-Scan cho các dấu in khớp cắn ở trạng thái động. Hệ thống T-Scan có thể ghi nhận lại được lực tiếp xúc, thời gian tiếp xúc, vị trí tiếp xúc, diện tích tiếp xúc của từng răng và từng phần hàm theo thời gian thực dưới dạng phim động để phân tích trên máy tính sau khi thực hiện ghi nhận tiếp xúc khớp cắn. Ưu điểm vượt trội của phương kỹ thuật số này là có thể đo lường được cường độ lực cắn thật sự và thời gian tiếp xúc để đánh giá khớp cắn một cách chính xác hơn.

Công nghệ phân tích khớp cắn điện toán đã được chứng minh là có khả năng đo lường lặp đi lặp lại tải lực nhai tương đối. Công nghệ này giúp loại bỏ tính chủ quan của nha sĩ khi sử dụng kích thước, màu sắc giấy cắn in trên răng để đánh giá tải lực nhai. Nó thay thế cho quá trình chủ quan bằng một quá trình khách quan dựa vào sự khác nhau của các tải lực nhai sẽ tạo ra những thay đổi kháng trở khác nhau, sau đó sẽ được ghi nhận bằng sensor trong quá trình lồng múi. Những thay đổi kháng trở được sắp xếp theo thứ tự thời gian khi mà các tiếp xúc cắn khớp tuần tự xảy ra trong 0.03s, và được đánh giá qua 256 cấp độ của tải lực. Bằng cách sử dụng công nghệ không liên quan với sự xuất hiện các đặc trưng dấu cắn có sẵn này, nha sĩ có thể phân tích đúng, chính xác, đo lường các tiếp xúc yếu hoặc vượt quá mức mà không sử dụng sự đánh giá chủ quan nào.

Hình 2. Phát hiện bất thường khớp cắn bằng hệ thống T-Scan

Chúng ta hãy cùng xem một ví dụ như hình dưới đây so sánh việc mài chỉnh khớp cắn bằng giấy cắn thông thường và bằng hệ thống T-Scan.

Hình 3. So sánh mài chỉnh khớp cắn bằng giấy cắn và bằng hệ thống T-Scan

Theo như hình trên, nếu chỉ sử dụng giấy cắn truyền thống thì 100% bác sỹ răng hàm mặt sẽ mài chỉnh điểm C trước. Nhưng nhờ sự trợ giúp của T-Scan chúng ta biết được cường độ lực cắn thực sự tại điểm C là 3,3 % trong khi đó cường độ lực cắn tại điểm A là 13,2%. Như vậy, điểm cần mài chỉnh đầu tiên phải là điểm A chứ không phải là điểm C.

Như vậy, việc sử dụng giấy cắn cũng như những phương pháp truyền thống khác không thể xác định chính xác được răng nào chạm đầu tiên trong quá trình cắn, thứ tự cắn khớp trên từng răng, răng nào chịu lực nhiều nhất, răng nào chịu lực thấp nhất, lúc trượt sang bên và ra trước răng nào tiếp xúc đầu tiên, răng nào ngăn cản quá trình này. Bằng hệ thống T-Scan, tất cả những vấn đề trên được giải quyết một cách chính xác và dễ dàng.

Ngoài ra, rất nhiều trường hợp sử dụng giấy cắn không thể in được dấu trên răng do ảnh hưởng của nước bọt. Việc ghi dấu tiếp xúc cắn khớp bằng T-Scan là phương pháp duy nhất không bị ảnh hưởng bởi nước bọt.

Chính nhờ những ưu điểm này mà hiện nay T-Scan được sử dụng để kiểm tra khớp cắn khi bắt đầu và kết thúc điều trị, cân bằng khớp cắn, kiểm tra lực cắn trong các phục hình (đặc biệt là phục hình trên implant), điều chỉnh máng nhai, kết hợp với máy đo điện cơ trong chẩn đoán và điều trị rối loạn thái dương hàm… Các ứng dụng của T-Scan trong thực hành nha khoa:

  1. Kiểm tra khớp cắn khi bắt đầu và khi kết thúc điều trị một cách toàn diện

Sử dụng T-Scan trong quá trình điều trị không chỉ giúp chẩn đoán tình trạng khớp cắn xấu khi bắt đầu mà còn giúp chúng ta có mối liên hệ tốt hơn với bệnh nhân, các biều đồ trực quan về lực cắn và thời gian của những lực này có thể giúp bệnh nhân hiểu hơn về tình trạng khớp cắn của họ và nâng cao khả năng chấp nhận điều trị, ngoài ra việc kiểm tra khớp cắn ban đầu được phục vụ như bệnh án gốc để so sánh với kết quả sau điều trị.

Ghi dấu kết thúc tiếp xúc cắn khớp bằng T-Scan bằng cách cho bệnh nhân thực hiện các động tác như: cắn, siết chặt, trượt sang trái, sang phải và ra trước. Các động tác này được thực hiện dưới chỉ với sự hướng dẫn hoặc cả trợ giúp của bác sỹ nếu phải tìm đạt tương quan trung tâm.

  1. Điều chỉnh máng nhai

Khi sử dụng T-scan kết hợp với giấy cắn khi thực hiện máng nhai sẽ giúp tăng sự chính xác lên cao và giảm bớt các lần gặp chỉ cho việc điều chỉnh máng

  1. Cân bằng khớp cắn

Cân bằng khớp cắn là một kỹ năng cực kỳ quan trọng đối với bất kỳ nha sỹ thực hành nào. T-Scan là một phương tiện bổ sung cho việc có thể thực hiện thành công sự cân bằng khớp cắn. Nó giúp xác định bất kỳ lực tiếp xúc lớn nào có thể dẫn tới những vấn đề trong tương lai. Sử dụng T-Scan để cân bằng khớp cắn có thể làm tăng sự thoái mái của bệnh nhân ngay trong cuộc hẹn đầu tiên.

  1. Trong điều trị có thực hiện các phục hình

T-scan có thể sử dụng như là công cụ để kiểm tra và điều chỉnh cuối cùng trước khi kết thúc phục hình, đặc biệt là trong các phục hồi có bao gồm răng trước. Nó giúp đảm bảo điểm dừng ở tương quant rung tâm và hướng dẫn trước mà không có sự cản trở trên răng sau

  1. Implant

T-Scan là một công cụ lý tưởng để kiểm tra khớp cắn với phục hình trên Implants. Thường xuyên quá tải lực trên Implant bởi các lực khớp cắn có thể dẫn tới thất bại Implant. Trong khi đó T-Scan có thể nhận diện các lực quá tải này một cách dễ dàng. Như trong các phục hồi đơn lẻ trên implant chúng ta có thể dễ dàng điều chỉnh các phục hồi này không phải là vị trí tiếp xúc đầu tiên trong quá trình đóng hàm. Trong các trường hợp phục hồi trên implant nối liền với răng thật hoặc trong các trường hợp phục hồi khó hoặc toàn bộ, thiết bị này có thể giúp chúng ta kiểm soát trình tự tiếp xúc các răng theo mong muốn

  1. Theo dõi các trường hợp phục hình

Trong các trường hợp phục hình lớn mà chúng ta cần phải có chế độ kiểm tra đều đặn, T-Scan có thể đánh giá còn ổn định hay không và cho phép kiểm tra với các bản ghi trước đó để xác minh lại, điều này giúp tiên đoán khả năng thành công lâu dài của phục hồi. chúng ta nên tiến hành kiểm tra định kỳ với phương tiện hữu ích này và thực hiện việc điều chỉnh nếu cần thiết.

Một khi T-Scan sử dụng ngay trong công việc điều trị hàng ngày, nó sẽ trở thành nguồn tài nguyên vô giá để giúp chúng ta điều chỉnh và tạo ra nền tẳng khớp cắn khỏe mạnh cho bệnh nhân

Như vậy, tái lập khớp cắn cân bằng mang lại sự thỏa mái và hài lòng cho bệnh nhân ngay sau khi hoàn tất điều trị: phục hình trên Implant, chỉnh nha, veneer, phục hình sứ toàn hàm, điều trị nghiến răng, rối loạn khớp thái dương hàm… là mong muốn của tất cả bác sỹ thực hành nha khoa. Tekscan sẽ giúp bác sỹ thực hiện một cách dễ dàng các mục đích này.