BÍ KÍP CHĂM SÓC RĂNG MIỆNG VÀ MỘT SỐ LƯU Ý TRONG CHẾ ĐỘ NUÔI DƯỠNG CHO TRẺ NHỎ DƯỚI 1 TUỔI

 Là bác sĩ răng trẻ em và làm mẹ của 2 đứa trẻ đã cho tôi trải nghiệm những khó khăn mà tất cả các bố mẹ đều gặp phải khi chăm sóc răng cho trẻ nhỏ. Và sau đây là một số những băn khoăn thường gặp của các bố mẹ và một số bí kíp giúp bố mẹ chăm sóc răng miệng cho còn từ sớm. 

I. KHI NÀO BẮT ĐẦU CHĂM SÓC RĂNG CHO TRẺ?

 Nhiều bố mẹ nghĩ rằng khi trẻ mọc đủ các răng sữa mới cần chăm sóc răng miệng, hoặc xem nhẹ bộ răng sữa vì sớm muộn răng sữa mới thay.

 Theo các chuyên gia, lần khám răng đầu tiên của trẻ nên là khi trẻ mọc những chiếc răng đầu tiên, khi trẻ 1 tuổi. Còn bắt đầu chăm sóc răng miệng cần từ sớm hơn, ngày từ khi con chưa mọc chiếc răng nào! Bí kíp để con có hàm răng chắc khỏe không sâu răng: Đó là chăm sóc răng miệng từ sớm và tạo thói quen vệ sinh răng miệng cho con từ nhỏ. Bạn nghĩ trẻ sơ sinh chưa có răng, tôi sẽ tiết lộ cho bạn một sự thật thú vị, các con đã có các răng sữa rồi đó, chỉ là các răng đang nằm bên dưới lợi, tiếp tục phát triển đợi ngày trồi lên khỏi lợi khi trẻ khoảng 6 tháng.

 Bởi vậy, giai đoạn này bố mẹ cần vệ sinh nướu cho trẻ, từ khi trẻ còn đang bú mẹ. Nhẹ nhàng lau sạch nướu, mặt trên lưỡi bằng gạc rơ lưỡi tẩm nước muối sinh lý. Chúng ta nên làm sạch miệng của trẻ sau khi trẻ bú và trước khi trẻ ngủ, tối thiểu hai lần một ngày.

II. CHẾ ĐỘ NUÔI DƯỠNG

1.Giai đoạn 0-6 tháng:

 Dưới 6 tháng, trẻ hoàn toàn bú mẹ. Sữa công thức và sữa mẹ đều chứa đường, sẽ tích tụ lại trong miệng trẻ sau khi trẻ bú và là nguyên liệu cho vi khuẩn sâu răng tạo ra axit, nhất là với trẻ bú bình buổi đêm khi ngủ.  Thói quen ngậm bình sữa hoặc ti mẹ để ngủ, thói quen xấu này kéo dài cho đến khi trẻ lớn thường nguyên nhân chính dẫn đến sâu răng sớm trầm trọng sau này.

 Khi trẻ 3-4 tháng, chúng ta có thể vỗ nhẹ, hoặc hát ru, bật nhạc nền để hình thành thói quen ngủ lạnh mạnh hơn cho con. Giấc ngủ đêm sẽ sâu hơn và thậm chí, sau 6 tháng, nhiều bạn nhỏ đã có thể ngủ hết đêm mà không cần thức dậy để bú mẹ.

2.Giai đoạn 6 tháng – 1 tuổi

 Trẻ sẽ bắt đầu ăn dặm khi trẻ được khoảng 6 tháng, một số vấn đề cần lưu ý cho trẻ trong giai đoạn này để phòng ngừa sâu răng sớm đó là:

 Chúng ta cần lưu ý thời gian giữa mỗi bữa ăn: Với trẻ biếng ăn, thường được cho ăn nhiều bữa trong ngày. Thời gian mỗi bữa ăn chỉ nên dưới 30 phút. Khoảng cách từ khi kết thúc bữa trước đến khi bắt đầu bữa tiếp theo cần tối thiểu 2 tiếng.

 Bố mẹ cũng cần tránh ép trẻ ăn quá no gây nôn trớ khiến men răng bị mài mòn do acid của dịch vị (khi trớ), thường gây sâu sớm mặt trong răng cửa hàm trên. Nhiều bố mẹ vẫn có thói quen dùng chung thìa, đũa, hoặc thói quen nếm, mớm thức ăn cho trẻ, thói quen này có thể truyền vi khuẩn sâu răng của người lớn cho trẻ, gây ra sâu răng nghiêm trọng. Quan điểm sai lầm về việc sử dụng hoa quả trong chế độ ăn của trẻ. Ăn hoa quả tốt cho răng , nhưng nước ép hoa quả dễ gây sâu răng: khi bạn nhai, chất xơ trong hoa quả sẽ góp phần làm sạch răng tự nhiên. Còn đường fructose trong nước ép hoa quả có thể đọng lại và tích tụ mảng bám nếu con bạn có thói quen ngậm bình…

Rất mong những chia sẻ này sẽ hữu ích với các bạn, hẹn gặp lại các bạn tại Nha khoa Như Ngọc vào lần hẹn khám đầu tiên của con nhé!

Ths BS Nguyễn Thuỳ Linh