Nhổ răng nanh sữa

 

 Nhổ răng nanh sữa
 
Tiến sỹ, Bác sỹ nội trú Võ Trương Như Ngọc 

Bác sỹ Nguyễn Thị Mai Phương

 

1.     Đặt vấn đề:

Nhổ răng nanh sữa luôn được coi là rất bình thường bởi lẽ các răng này rồi sẽ bị thay thế. Trên thực tế, chẩn đoán và tiên lượng khắt khe cũng như việc giám sát chặt chẽ là rất cần thiết để tránh những vấn đề nảy sinh và những hậu quả không lường trước được sau này.

Quá trình theo dõi này có thể giúp cho việc phát triển của răng vĩnh viễn ở hai giai đoạn quan trọng của phát triển bộ răng:

–         Trong quá trình mọc răng nanh vĩnh viễn.

–         Nhưng quan trọng hơn là trong quá trình mọc của răng cửa bên vĩnh viễn.

 

 

2.     Trong quá trình mọc của răng nanh vĩnh viễn:

Nha sỹ đôi khi nhận thấy hướng mọc không đúng của những răng nanh vĩnh viễn này do sự tiêu chân không hoàn toàn của các răng sữa và dẫn đến việc phải nhổ bỏ các răng sữa này. Việc nhận ra quá trình này đúng thời điểm có thể giúp cho tiến trình mọc răng nanh vĩnh viễn hàm trên theo đúng hướng và cũng có thể tác động tới hàm dưới ở mức độ ít hơn.

 

 

 

3.     Nhổ răng nanh sữa để cho việc mọc răng cửa bên vĩnh viễn được thuận lợi

Việc nhổ răng nanh sữa có thể được dự tính một cách độc lập hoặc trong những trường hợp điều trị sự không tương đồng kích thước thực tế của răng bằng cách nhổ nhiều răng và bao gồm việc nhổ 4 răng hàm nhỏ vĩnh viễn.

Tuy nhiên các nha sỹ cần thận trọng hơn trong việc nhổ răng nanh sữa vì có thể ảnh hưởng đến:

–         Tiến trình mọc răng vĩnh viễn.

–         Những hệ quả từ việc di chuyển răng sau khi nhổ răng.

 

3.1.         Tiến trình mọc răng vĩnh viễn

                                                                               

Trong những trường hợp phải nhổ nhiều răng, việc nhổ răng nanh sữa sẽ làm cho việc mọc đúng vị trí và sắp thẳng các răng cửa vĩnh viễn được dễ dàng hơn. Sự cải thiện sẽ nhanh hơn ở những trường hợp nhổ răng hàm sữa thứ nhất để kích thích mọc răng hàm nhỏ thứ nhất. Sau đó việc nhổ răng hàm sữa thứ nhất sẽ tạo điều kiện cho các răng nanh vĩnh viễn mọc lên.

Thứ tự nhổ răng thông thường ở hàm trên là 4-5-3 hoặc 4-3-5. Vì răng hàm nhỏ mọc lên trước nên trình tự của việc nhổ các răng không bị ảnh hưởng.

 

Mặt khác, thứ tự mọc răng ở hàm dưới có thể là 4-5-3 hoặc thường gặp hơn là 3-4-5. Trong trường hợp này, răng nanh vĩnh viễn mọc lên trước và điều này có thể gây khó khăn cho việc mọc răng hàm nhỏ kể cả khi đã nhổ răng hàm sữa thứ nhất, tiến trình này thường chỉ giúp cho việc mọc răng nanh vĩnh viễn. 

Có thể cần khôi phục khoảng cho răng hàm nhỏ bằng cách sử dụng phức hợp đai và khí cụ cố định hoặc cung lưỡi cùng với việc nhổ răng hàm sữa thứ hai để hỗ trợ cho răng hàm nhỏ thứ nhất mọc lên.

3.2.         Việc di chuyển răng sau nhổ răng nanh sữa

Việc nhổ răng nanh sữa có thể dẫn tới khả năng các răng cửa vĩnh viễn ngả lưỡi, làm giảm chiều dài cung răng liên quan tới việc di gần của các thành phần hai bên đường giữa và làm thu hẹp chiều ngang của cung răng.

Việc di chuyển răng không mong muốn này có thể làm phức tạp thêm quá trình điều trị sau này. Ở hàm trên, khi việc thiếu khoảng quá trầm trọng thì việc mở rộng khoảng được thực hiện kết hợp giữa việc di xa răng hàm và nhổ răng một cách hợp lý. Đối với hàm dưới, những thao tác này khá mạo hiểm và có thể không thành công trong một số trường hợp.

Việc ngả lưỡi của các răng thường làm tăng độ cắn chùm, dẫn tới khớp cắn sâu, rất khó điều trị đặc biệt đối với hàm dưới. Thêm vào đó, trong khi ở hàm răng vĩnh viễn, việc sắp xếp lại vị trí các răng cửa hàm dưới được thực hiện chính xác theo mục tiêu ban đầu thì ở hàm răng hỗn hợp, việc sắp xếp này cho kết quả không chắc chắn và thường theo chiều hướng quá mức. Vì thế, có lẽ sẽ thuận lợi hơn nếu để nguyên tình trạng chen chúc của các răng cửa và chỉ ổn định vị trí các răng bằng giữ khoảng hoặc mở rộng khoảng. Việc nhổ răng nếu cần có thể thực hiện trong quá trình chỉnh nha tiếp theo.

Thậm chí trong trường hợp mất răng nanh sữa một bên, việc nhổ răng nanh sữa bên đối diện có thể làm trầm trọng thêm việc ngả lưỡi mặc dù sự đối xứng của cung hàm được khôi phục. Đôi khi việc bảo tồn răng nanh sữa còn lại và mở rộng khoảng cho răng nanh vĩnh viễn đối diện mọc đem lại hiệu quả khá tốt.

Răng cửa hàm dưới ngả lưỡi mức độ nghiêm trọng đôi khi có thể làm phẳng nét mặt nghiêng, gây mất thẩm mỹ và đặc biệt khó khăn trong việc tiên lượng điều trị lâu dài khi phải đưa ra quyết định nhổ răng nanh sữa ở độ tuổi hiện tại của bệnh nhân. Sự nhô ra phía trước của xương ổ răng hàm trên và hàm dưới cùng với sự kém phát triển của cằm thường xuất hiện trong giai đoạn này và làm sai lệch việc đánh giá sự cần thiết của việc sắp xếp lại vị trí răng cửa. Trên thực tế, còn có sự làm phẳng nét mặt nghiêng sinh lí ở độ tuổi 6 – 11, đặc biệt ở những bệnh nhân có tăng trương lực môi (trương lực cơ góp phần gây nên sự chen chúc răng).

Ngoài ra, việc đánh giá sự thay đổi thẩm mỹ trong quá trình phát triển cần phải được thực hiện trong thời gian dài chứ không chỉ trong giai đoạn hai năm như phân tích phim thông thường.

 

4.     Kết luận:

Đối với việc nhổ răng có hướng dẫn, bác sĩ chỉnh nha không nên sử dụng những phương tiện phân tích thông thường trong đánh giá sự sắp xếp vị trí các răng cửa (phân tích Steiner, IMPA …) thường được dùng cho bệnh nhân 11 – 12 tuổi. Khi đưa ra quyết định chỉnh nha ở trẻ 6 – 7 tuổi, bác sĩ phải đánh giá nét mặt nghiêng trong 6 – 8 năm tiếp theo. Sau khi nhổ răng nanh sữa vẫn có thể thay đổi quyết định và mở rộng lại các khoảng ở hàm trên, nhưng sẽ khó khăn hơn nhiều đối với hàm dưới. Nếu có thể, nên trì hoãn việc nhổ răng nanh sữa, đặc biệt ở hàm dưới, và tạm thời giữ nguyên sự chen chúc răng cửa trong khi sử dụng khí cụ giữ khoảng.